Báo Công An Đà Nẵng

Thầy trò bảo tồn văn hóa cồng chiêng

Thứ hai, 03/08/2015 08:26

(Cadn.com.vn) - Không dừng lại ở việc đưa nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương vào giảng dạy trong nhà trường, thầy trò Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Nước Oa (huyện miền núi Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) còn tích cực triển khai, duy trì và phát triển các đội cồng chiêng cho học sinh trong thời gian qua. 

Gìn giữ văn hóa truyền thống

Những ngày cuối năm học 2014-2015, không khí tại Trường PTDTNT Nước Oa sôi động hẳn lên với nhiều hoạt động liên hoan múa hát cồng chiêng giữa các lớp với sự tham dự của đông đảo thầy trò nhà trường. Trong trang phục truyền thống đầy màu sắc của đồng bào dân tộc vùng cao, các em học sinh háo hức chờ đợi đến lượt đội mình biểu diễn. Những tiết mục múa hát, những điệu múa cồng chiêng lễ hội quen thuộc như: mừng lúa mới, ăn tết mùa, đâm trâu... của dân tộc mình được các em thể hiện một cách nhịp nhàng trong tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt của thầy cô giáo và các bà con nhân dân địa phương.

Chăm chú theo dõi những điệu múa, lắng nghe những âm thanh ngân vang cồng chiêng từ các tiết mục biểu diễn do chính các em học sinh - con em của dân tộc mình thể hiện, già làng Trần Văn Tiếu (xã Trà Giác, H. Bắc Trà My) phấn khởi nói: "Già thấy vui cái bụng khi thấy học sinh biết đến cồng chiêng và những điệu múa của người vùng cao. Các em học sinh không lãng quên những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tiếng cồng, tiếng chiêng với già là máu thịt. Với cộng đồng người dân tộc thiểu số vùng cao, không có tiếng cồng, tiếng chiêng thì tất cả không còn ý nghĩa nữa".

Trường PTDTNT Nước Oa đều có cả đội cồng chiêng học sinh nam và nữ.

Hoàn thiện môi trường giáo dục

Hiện nay, Trường PTDTNT Nước Oa là một trong số ít ngôi trường vùng cao tỉnh Quảng Nam tiếp tục duy trì và phát triển có hiệu quả giảng dạy cồng chiêng cho học sinh. Theo đó, nhà trường còn tích cực triển khai nhiều hoạt động sôi nổi vừa để duy trì các đội cồng chiêng học sinh, vừa góp phần hoàn thiện môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhân cách, đạo đức học sinh. Theo lãnh đạo Trường PTDTNT Nước Oa, hầu hết học sinh theo học tại trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số Co, Ca Dong, Xơ Đăng... Chính vì vậy, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động thi đua dạy tốt - học tốt, thì nhà trường luôn tích cực triển khai tổ chức các hoạt động ngoài giờ nhằm tạo môi trường học tập lành mạnh, bổ ích nhằm thu hút, tạo động lực học tập hăng say cho học sinh. Việc duy trì, phát triển các đội cồng chiêng học sinh và định kỳ hằng năm tổ chức liên hoan múa cồng chiêng và hội diễn văn nghệ cho học sinh là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương cho học sinh toàn trường.

Học sinh Trường PTDTNT Nước Oa sôi nổi biểu diễn các điệu múa cồng chiêng.

Việc đưa cồng chiêng vào trường lớp thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhất là giúp học sinh thêm yêu trường, yêu lớp nhiều hơn, giảm được tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.

3 năm theo học tại trường, cũng chừng đó năm em Huỳnh Đức Trung (học sinh lớp 12/3, Trường PTDTNT Nước Oa) đều sôi nổi tham gia các hoạt động liên quan đến múa hát cồng chiêng. Trung chia sẻ: "3 năm học tại trường, em đều là thành viên đội chiêng của lớp. Được tham gia các tiết mục múa hát cồng chiêng, em càng cảm thấy gắn bó với trường, với lớp nhiều hơn, gần gũi với bạn bè hơn, tình cảm thầy trò càng thắm thiết. Từ những buổi tham gia các hoạt động ngoài giờ, nhất là các hoạt động múa hát cồng chiêng đã giúp các bạn trong lớp, trong trường hiểu hơn về giá trị văn hóa của đồng bào mình cần phải được gìn giữ".

Là một trong những người khởi xướng đưa sinh hoạt cồng chiêng vào chương trình ngoại khóa của trường, thầy giáo Trần Phúc - Hiệu trưởng Trường PTDTNT Nước Oa cho biết: Với mong muốn phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của người dân vùng cao, từ năm 2010, Ban giám hiệu cùng tập thể hội đồng sư phạm nhà trường đã thảo luận và thống nhất đưa sinh hoạt cồng chiêng vào chương trình ngoại khóa của trường. Đến nay, 12 lớp của trường đều có đội chiêng và đội múa thường xuyên sinh hoạt đều đặn hàng tuần. Những năm học gần đây, chính các em học sinh của lớp 11 và 12 sẽ hướng dẫn lại cách đánh cồng chiêng cho những em học sinh lớp 10 mới vào trường.

"Việc duy trì các sinh hoạt cồng chiêng trong nhà trường không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào vùng cao, mà đã tạo nên một nét đặc trưng riêng cho Trường PTDTNT Nước Oa", thầy Phúc nói.

Khải Minh