Thế bế tắc của Mỹ trong ván bài dầu mỏ với Nga
Mặc dù là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, Mỹ chuyển sang mua dầu thô của Nga để phục vụ các thị trường ven biển xa xôi hơn và giữ cho các nhà máy lọc dầu vận hành ở mức tối ưu.
So với châu Âu thì Mỹ phụ thuộc ít hơn vào dầu của Nga. Ảnh: WSJ |
Cách đây vài năm, sự bùng nổ các hoạt động khai thác dầu đá phiến đã khiến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Mỹ vẫn phải nhập hàng triệu thùng dầu mỗi ngày từ các khu vực khác trên thế giới, trong đó có Nga. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một số nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Nhiều nghị sĩ còn đề nghị cấm nhập khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây thực sự là một bài toán quá khó đối với Mỹ. Vì sao Mỹ vẫn phải nhập khẩu dầu thô từ Nga, và dầu nhập khẩu sẽ được chuyển đến đâu?
Do đạo luật Jones?
Mỹ vẫn tiêu thụ nhiều dầu hơn nhiều so với mức khai thác của các công ty ở trong nước. Vì vậy, họ buộc phải nhập khẩu từ một số nguồn cung cấp khác. Nhưng nếu so với châu Âu thì Mỹ phụ thuộc ít hơn vào dầu của Nga, và cũng chỉ sử dụng một phần nhỏ dầu thô nhập từ Nga.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới nhập khẩu phần lớn dầu thô từ Canada, Mexico và Saudi Arabia. Các quốc gia nhỏ hơn ở Mỹ Latinh và Tây Phi cũng thường xuất nhiều dầu thô đến Mỹ hơn so với Nga. Andy Lipow - Chủ tịch Hội liên hiệp Dầu Lipow, trụ sở tại Houston trích dẫn số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, vào năm 2021, khoảng 8% nhập khẩu dầu và các sản phẩm tinh chế, tương đương khoảng 672.000 thùng/ngày của Mỹ đến từ Nga. Trong số đó, dầu thô Nga chỉ chiếm khoảng 3% lượng nhập khẩu của cả nước, khoảng 200.000 thùng/ngày. Vào giữa năm 2021, lượng dầu thô Mỹ nhập từ Nga đạt mức cao nhất trong khoảng một thập kỷ và có xu hướng cao hơn trong những năm gần đây, theo dữ liệu của EIA. Nhưng dầu thô của Nga chưa bao giờ chiếm một phần lớn trong hệ thống cung ứng dầu của Mỹ, ông Lipow nói.
Đạo luật Jones, được thông qua cách đây một thế kỷ, đã giới hạn kích thước tàu thuyền được phép vận chuyển hàng hóa giữa các cảng của Mỹ. Điều này đã khiến những người mua dầu ở Bờ Tây và Bờ Đông không thể nào nhận được nguồn cung ứng được vận chuyển từ Vịnh duyên hải Mexico. Bờ biển vùng Vịnh này, nơi các công ty dầu mỏ vận chuyển khoảng 3 triệu thùng/ngày vào tháng 12-2021 có các đường ống dẫn dầu tới lưu vực Permian của Tây Texas, New Mexico và Cushing (Oklahoma), trung tâm dự trữ dầu quốc gia. Mỹ mua dầu thô của Nga một phần là để cung cấp cho các nhà máy lọc cần các loại dầu thô khác nhau với hàm lượng lưu huỳnh cao hơn sản xuất nhiên liệu ở công suất cao nhất.
Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đã được thiết kế từ nhiều thập kỷ trước để sử dụng các loại dầu thô nặng hơn, thường là có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, khi nguồn cung trong nước thấp hơn. Trong những năm gần đây, dầu thô của Nga đã giúp lấp đầy một số khoảng trống cung ứng trên thế giới sau khi Venezuela và Iran bị cấm vận. Lệnh cấm vận nhằm vào Venezuela và Iran đã làm giảm lượng dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao mà Mỹ cần có, ông Andy Lipow cho hay.
Mỹ tìm kiếm phương án thay thế
Ngày 8-3, nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết một phái đoàn cấp cao của Chính phủ Mỹ đã có chuyến công du tới Venezuela để thảo luận với quan chức chính phủ Venezuela về quan hệ song phương, trong đó có các vấn đề liên quan tới cung cấp năng lượng trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết phái đoàn Mỹ đã làm việc với phía Venezuela về các vấn đề liên quan tới an ninh năng lượng. Đây là lần đầu tiên Mỹ và Venezuela tổ chức một cuộc gặp cấp cao công khai kể từ đầu năm 2019. Theo tờ New York Times, chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Mỹ tới Venezuela là nhằm tìm kiếm phương án thay thế nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Trước đó, Nhà Trắng ngày 4-3 cho biết Tổng thống Joe Biden đang xem xét các bước để giảm nhập khẩu dầu từ Nga, khi sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội đối với lệnh cấm nhập khẩu ngày càng tăng giữa lúc Nga tiến hành các hoạt động liên quan tới Ukraine.
Bà Jen Psaki nói rằng, Mỹ đang xem xét các lựa chọn có thể thực hiện ngay bây giờ để cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng của Mỹ đối với năng lượng Nga, tập trung vào việc giảm thiểu tác động đến các gia đình. Bà Psaki lưu ý rằng các quan chức chính phủ Mỹ, gồm ông Brett McGurk và ông Amos Hochstein, đã đàm phán với các nhà cung cấp toàn cầu về các nguồn năng lượng thay thế trong bối cảnh khủng hoảng ở Ukraine. Hai quan chức McGurk và Hochstein gần đây đã đến Saudi Arabia để thảo luận về vấn đề này. Dầu khí là nguồn thu ngân sách quan trọng của Nga và lệnh cấm nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế nước này vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
KHẢ ANH