Báo Công An Đà Nẵng

Thế giằng co

Thứ năm, 09/07/2015 08:08

(Cadn.com.vn) - Iran và các cường quốc P5+1 đã nhất trí kéo dài bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran ít nhất cho đến ngày mai (10-6).

“Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán trong vài ngày tới”, phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini cho biết. Đây chính là thời hạn chót mới trên thực tế cho cuộc đàm phán nhằm tiến đến một thỏa thuận cuối cùng. Đây là lần thứ 4 các bên mở rộng các thỏa thuận tạm thời, kể từ tháng 10-2013. Lần mở rộng mới nhất này để ngỏ khả năng liệu một thỏa thuận cuối cùng có được trình lên Quốc hội Mỹ xem xét đúng hạn theo yêu cầu trong vòng 30 ngày.

Nếu thỏa thuận được gửi đến từ ngày 10-7 đến 7-9, Quốc hội Mỹ sẽ xem xét trong vòng 60 ngày. Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, cần thúc đẩy nhanh bàn đàm phán để các nghị sĩ Mỹ không có cớ phản đối. Một nguồn thạo tin cho rằng, cuộc đàm phán không thể kéo dài hơn nữa và phải sớm đạt được một thỏa thuận cho đến cuối ngày 9-6. Tuy nhiên, tại Washington, một số thành viên Quốc hội cho biết họ không muốn đàm phán vội vàng, vì lo ngại Nhà Trắng có những bước nhượng bộ đáng kể với Iran.

Thế giằng co giữa hai bên trên bàn đàm phán chủ yếu xoay quanh việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran. Nga cho rằng, đây là “vấn đề lớn nhất hiện nay”. Phía Nga còn cho biết, hai bên vẫn còn khoảng 8 vấn đề cần giải quyết rốt ráo trước khi đi đến thỏa thuận cuối cùng. Iran cũng đã lên tiếng hối thúc nhóm P5+1 dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, nhấn mạnh đây là một rào cản trong tiến trình đàm phán về một thỏa thuận toàn diện cuối cùng. 

Phát biểu trên truyền hình, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi khẳng định, lệnh cấm vận vũ khí không quá quan trọng bởi Iran phát triển ngành công nghiệp vũ khí của riêng mình nhưng điều quan trọng là các cường quốc phải thay đổi cách tiếp cận đối với các biện pháp trừng phạt, nếu muốn đạt được một thỏa thuận.

Trên thực tế, các nhà ngoại giao cho biết, các cuộc đàm phán trong những ngày qua “rất nóng” về vấn đề trừng phạt của LHQ, mà Iran muốn bãi bỏ như một phần của thỏa thuận để ngăn chặn chương trình hạt nhân. “Không có tiếng đóng sầm cửa nhưng các quan chức rất to tiếng”, một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây nói với các phóng viên.

Thỏa thuận toàn diện cuối cùng đang được thảo luận là nhằm hạn chế hoạt động hạt nhân nhạy cảm nhất của Tehran, để đổi lấy gói cứu trợ từ lệnh trừng phạt vốn khiến ngành xuất khẩu dầu mỏ của Iran suy giảm và làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo. Mỹ và các đồng minh lo ngại, Iran đang sử dụng chương trình hạt nhân dân sự như một vỏ bọc để phát triển khả năng vũ khí hạt nhân dù Tehran khẳng định, chương trình của họ là hoàn toàn hòa bình.

Một thỏa thuận cuối cùng sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ hướng đến việc giảm bớt sự thù địch giữa Mỹ và Iran kể từ năm 1979. Đây cũng sẽ là thành tựu quan trọng đối với Tổng thống Barack Obama và cả người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, dù cả hai nhà lãnh đạo đang đối mặt với nhiều hoài nghi từ phe bảo thủ ở ngay trong nước.

Đàm phán đang đi đến hồi kết. Các bên vừa đặt ra một thời hạn chót cuối cùng. Và sau thời điểm này, hoặc là đạt được một thỏa thuận hoặc là không.

Thanh Văn