Báo Công An Đà Nẵng

Thế giới ấn tượng với thành tựu kinh tế của Việt Nam

Thứ năm, 03/09/2015 08:34

(Cadn.com.vn) - Sau 30 năm đổi mới (1986- 2015), Việt Nam đã từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về KT-XH của thời kỳ hậu chiến, dần xóa bỏ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, tiến hành công cuộc CNH-HĐH và chủ động hội nhập quốc tế. Nhiều nhà quản lý, học giả nước ngoài ghi nhận những thành quả mà Việt Nam đã đạt được là rất ấn tượng.

Kết quả ấn tượng

Tại Hội thảo quốc tế “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam”, do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức, bà Helen Clark - Tổng Giám đốc UNDP, khẳng định: những thành tựu KT-XH mà Việt Nam đạt được trong 30 năm qua là rất ấn tượng.

Bà Helen Clark cho rằng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3% (giai đoạn 1990 - 2010), Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu trên thế giới, tỷ lệ số người cực nghèo đã giảm từ 63,7% (năm 1993) xuống 4,3% vào năm 2010. Hơn 97% số hộ gia đình Việt Nam đã được sử dụng điện và các nguồn năng lượng mới khác. Tiến bộ quan trọng về bình đẳng giới, trong đó có giáo dục, việc làm và y tế, cũng đã đạt được.

Bà Helen Clark đánh giá Việt Nam có nhiều thế mạnh, như lực lượng lao động tương đối trẻ và có khả năng cạnh tranh, nguồn tài nguyên phong phú và vị trí địa lý nằm ở trung tâm của một khu vực năng động. Với những lựa chọn chính sách sáng suốt, Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sáng.

Tháng 2-2015, tại Paris (Pháp), Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Châu Á (Viện quan hệ quốc tế của Pháp - IFRI) tổ chức Hội thảo “Cải cách kinh tế Việt Nam - Vai trò của các đối tác chiến lược mới” đã nêu bật các thành tựu trên nhiều lĩnh vực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Tại hội thảo, luật sư Oliver Massmann - Tổng Giám đốc Cty Luật Duane Morris Vietnam LLC đã nêu bức tranh kinh tế Việt Nam với các kết quả lạc quan, đáng khích lệ. Đó là từ chỗ là nước còn rất nghèo, phải nhập khẩu gạo, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ông bày tỏ sự lạc quan về những cải cách đang diễn ra và tin rằng nhiều cải cách sẽ được tiếp tục trong thời gian tới, giúp Việt Nam đạt được bước tiến mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tiếp đó, tháng 4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “40 năm thống nhất đất nước với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế”, với sự tham gia của nhiều học giả đến từ nước Anh, Nga, Pháp, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ông Vladimir Kolotov - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh (ĐH Quốc gia Saint Petersburg, Nga), nhìn nhận: Việt Nam đã thực hiện rất thành công công cuộc đổi mới, trở thành nước có thu nhập trung bình.

Cũng trong tháng 4, Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Việt Nam - 40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập (1975-2015)” diễn ra tại Bình Dương, do 4 trường ĐH là 2 Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội), Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), phối hợp tổ chức.

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu tham gia với hơn 300 tham luận, trong đó có 20 tham luận của các học giả đến từ Mỹ, Pháp, Australia, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia... Nhiều học giả, nhà nghiên cứu khẳng định: 30 năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang đi trên con đường đổi mới, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, văn hóa, chính trị...

Từ chỗ là nước còn rất nghèo, phải nhập khẩu gạo, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Phải có tầm nhìn dài hơi

GS.TS Tsuboi Yoshiharu (ĐH Waseda của Nhật Bản) cho rằng, môi trường quốc tế xung quanh Việt Nam thay đổi nhanh chóng, chẳng hạn như Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang trong quá trình tạo lập và các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã gần về đích. Vì vậy, Việt Nam cần phải có những tầm nhìn dài hơn với kế hoạch 30 năm, 50 năm, thay vì là các kế hoạch 5 năm, 10 năm như trước. Ông mong muốn Việt Nam có thể đưa ra một tầm nhìn cụ thể trong 50 năm tới để trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong các nước ASEAN, có vị trí trên thế giới.

Còn theo bà Helen Clark, nhịp độ tăng trưởng hiện nay thấp hơn trước, với năng suất và cạnh tranh yếu hơn là những yếu tố làm hạn chế tăng trưởng kinh tế. Mô hình phát triển của Việt Nam do đó đang được đánh giá lại và các biện pháp quan trọng đã được thực hiện. Bà Helen Clark kêu gọi Việt Nam mở cửa nền kinh tế hơn nữa để tăng cường khả năng cạnh tranh. Để có thể đạt được những tiến bộ về kinh tế thì Việt Nam cần ưu tiên cho việc cải cách. Nếu Việt Nam khuyến khích được sự cạnh tranh trong nền kinh tế, người tiêu dùng sẽ được lợi nhờ giá cả rẻ hơn.

Đồng quan điểm, ông Vladimir Kolotov nhấn mạnh rằng, có những nguy cơ và rủi ro, chính vì vậy, Việt Nam đang thực hiện chính sách đa dạng hóa với một trong những hướng chính là hòa nhập khu vực và đây là điều rất quan trọng.

Thành tựu kinh tế đạt được sau 30 năm đổi mới của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, những thách thức của xu thế toàn cầu hóa yêu cầu Việt Nam cần nhận diện toàn diện hơn để có giải pháp phù hợp - các chuyên gia nhấn mạnh.

P.V (tổng hợp)