Báo Công An Đà Nẵng

Thế giới đang chạy đua với chủng mới của virus SARS-CoV-2

Thứ bảy, 30/01/2021 17:45

Trong báo cáo mới nhất về tình hình dịch tễ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã lan sang hàng chục nước trên thế giới. Hiện biến thể đầu tiên phát hiện tại Anh đã có mặt tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, biến thể phát hiện tại Nam Phi hiện đã ghi nhận tại 31 nước và biến thể mới nhất phát hiện tại Brazil cũng đã xuất hiện tại 8 nước. 

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được đưa vào một bệnh viện ở bang Manaus, Brazil.   Ảnh: AFP

Nhiễm hai biến thể cùng lúc

Các nhà nghiên cứu Brazil vừa phát hiện ra các ca nhiễm hai biến thể virus SARS-CoV-2 cùng một lúc. Dẫn một nghiên cứu của Viện Khoa học Thí nghiệm Quốc gia (LNCC), hãng thông tấn EFE đưa tin ít nhất hai bệnh nhân đã được xác nhận nhiễm đồng thời hai biến thể virus SARS-CoV-2. Nhóm khoa học đã công bố kết quả tìm được vào ngày 27-1 trên trang web y khoa medRxiv, khẳng định nghiên cứu của họ là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới tìm ra các ca đồng nhiễm hai loại biến thể.

Cả hai bệnh nhân, trong độ tuổi 30, bị mắc bệnh vào cuối tháng 11- 2020 với biến thể virus SARS-CoV2 có tên gọi B.1.1.28 tìm thấy ở Rio và đồng thời dương tính với biến thể virus trước đó được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi.

Các phát hiện trên đã làm dấy lên lo ngại về sự cùng tồn tại của hai biến thể trong một cơ thể có thể tăng tốc độ đột biến của các biến thể mới. Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, ông Fernando Spilki - nhà virus học tại Đại học Feevale ở bang Rio Grande do Sul - cho biết: “Những ca bệnh đồng nhiễm này có thể tạo ra sự kết hợp và hình thành các biến thể mới nhanh hơn so với trước đây. Đây sẽ là một con đường tiến hóa khác của virus SARS-CoV-2”.

Nghiên cứu cũng tiết lộ có ít nhất 5 biến thể virus SARS-CoV-2 khác nhau đang lây lan tại bang Rio Grande do Sul phía Nam Brazil. Theo đánh giá của các nhà khoa học, các biến thể mới mang đến nguy cơ lây lan lớn hơn và khả năng kháng lại các loại vaccine hiện hành.

Theo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 được thực hiện tại Anh, NVX-CoV2373, vaccine ngừa Covid-19 của công ty công nghệ sinh học Mỹ Novavax đạt hiệu quả tới 89,3%. Tuy nhiên, Novavax cho biết vaccine của hãng không thể chống lại biến thể ở Nam Phi, dù vẫn có hiệu quả phòng ngừa biến thể ở Anh. Đây là 2 biến thể được giới chuyên gia nhận định có khả năng lây nhiễm cao và hiện đã xuất hiện tại hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Biến thể mới tấn công Châu Phi

Ngày 28-1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hiện đang lây lan tại Châu Phi có thể khiến làn sóng dịch bệnh thứ hai tại đây kéo dài, làm tê liệt hệ thống y tế vốn đã mong manh tại châu lục 1,3 tỷ dân này.

Trong một thông báo, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết, với khả năng lây lan nhanh hơn cùng độc lực cao hơn virus gốc, biến thể mới sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc ứng phó và đẩy lùi làn sóng dịch thứ hai hiện vẫn đang hoành hành tại Châu Phi.

Bà Moeti nêu rõ biến thể 501 Y.V2 được phát hiện ở Nam Phi hồi cuối năm ngoái hiện đã lây lan với tốc độ rất nhanh tới nhiều quốc gia châu Phi và được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao trong thời gian qua. Theo số liệu mới nhất, biến thể 501 Y.V2 hiện đã được phát hiện tại ít nhất 4 quốc gia trong khu vực bao gồm Botswana, Ghana, Kenya và Zambia. Bên cạnh đó, bà Moeti cho biết biến thể mới của virus SARSCoV-2 có nguồn gốc từ Anh cũng đã được tìm thấy ở Gambia và Nigeria, hai quốc gia vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong năm vừa qua.

Bà Moeti nhấn mạnh những nỗ lực đẩy lùi làn sóng dịch bệnh thứ hai tại châu Phi sẽ không có hiệu quả, trừ phi các quốc gia trong châu lục đồng lòng đẩy mạnh tiến hành công tác xét nghiệm và cách ly những ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng dịch từ cấp cơ sở.

Theo số liệu từ CDC Châu Phi, tính đến thời điểm hiện tại, Châu Phi ghi nhận 3.494.117 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 87.937 trường hợp tử vong. Nam Phi hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.437.798 ca mắc Covid-19 và 43.105 người tử vong.

Mỹ chạy đua với thời gian

Hôm 28-1, các quan chức bang South Carolina xác nhận tại bang này đã xuất hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi. Các chuyên gia cho biết Mỹ đang chạy đua với thời gian và SARS-CoV-2 để tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt, trước khi có thêm biến chủng mới đáng lo ngại hơn xuất hiện.

Theo kênh NBC News, nỗ lực tiêm chủng ở Mỹ bị nhiều thứ cản trở: vấn đề phân phối, vấn đề nguồn cung, dân ngần ngại tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, để chống đỡ với một làn sóng tử vong, nhập viện và lây nhiễm khác, các nhà khoa học cho rằng cần phải xem xét lại cách triển khai tiêm chủng nhằm tăng số người được tiêm để chống lại các biến chủng mới của virus.

Ông Wan Yang, trợ lý giáo sư dịch tễ tại khoa y tế công cộng Mailman của trường Đại học Columbia, nói: “Chúng ta thực sự đang chạy đua với các biến chủng mới. Chúng ta cần chuẩn bị càng nhiều càng tốt trước khi mọi thứ xấu đi tới mức làm hệ thống y tế chịu thêm gánh nặng”.

Các loại vacine dường như vẫn hiệu quả với biến thể được phát hiện ở Anh từ tháng 11-2020 dù biến thể này dễ lây hơn. Tuy nhiên, với biến thể ở Nam Phi, nghiên cứu phòng thí nghiệm của Moderna cho thấy lượng kháng thể do vaccine của công ty này tạo ra trong cơ thể người giảm. Mặc dù Moderna cho biết các kháng thể vẫn ở trên mức có thể bảo vệ được cơ thể, nhưng diễn biến này khiến Moderna bắt đầu nâng cấp vaccine hiện nay để tăng hiệu quả chống chủng mới.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) lo ngại biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Anh vào cuối năm 2020 có thể lây lan mạnh tại Mỹ từ tháng 3 tới. Các chuyên gia đánh giá rằng các biến thể xuất hiện tại Nam Phi và Brazil dường như có khả năng lây lan mạnh hơn. Tiến sĩ Mary Petrone chuyên nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Yale (Mỹ) đánh giá việc giám sát các biến thể virus là vô cùng quan trọng bởi nguy cơ chúng có thể giảm hiệu quả của việc điều trị và vaccine, thậm chí thay đổi cách lây nhiễm.

Thế giới cần hành động ngay lập tức

Trong cuộc họp báo diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York ngày 28-1, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi toàn thế giới ngay lập tức lưu ý đến ba tình trạng khẩn cấp toàn cầu, trong đó có việc phân bổ vaccine ngừa Covid-19.

Theo người đứng đầu LHQ, đến nay thế giới đã sử dụng hơn 70 triệu liều vaccine nhưng Châu Phi có chưa đến 20.000 liều. Ông nhấn mạnh khoảng cách về khả năng miễn dịch toàn cầu khiến mọi người gặp rủi ro, đồng thời nêu rõ chủ nghĩa dân tộc vaccine là một sự thất bại về kinh tế cũng như đạo đức. Theo ông Guterres, mọi quốc gia đều có quyền và nghĩa vụ bảo vệ người dân của mình, nhưng đồng thời không quốc gia nào có thể bỏ mặc phần còn lại của thế giới.

Trước tình hình này, TTK LHQ nhận định thế giới cần thu hẹp khoảng cách về kinh phí; tăng cường sản xuất vaccine bằng cách cung cấp rộng rãi giấy phép, chia sẻ công nghệ và đưa dược phẩm này đến tay tất cả những người cần, bắt đầu từ nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao nhất trên thế giới, đồng thời thế giới cũng cần một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu để đối phó với một đại dịch toàn cầu.

AN BÌNH

Chuyên gia WHO bắt đầu điều tra nguồn gốc Covid-19 

Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến gặp các nhà khoa học Trung Quốc vào ngày 29-1 và lên kế hoạch điều tra từ các cơ sở thí nghiệm, chợ và bệnh viện tại thành phố Vũ Hán.

Theo Reuters, ngày 28-1, nhóm chuyên gia đã hoàn thành hai tuần cách ly sau khi tới Trung Quốc và chuyển tới một khách sạn ven hồ ở thành phố Vũ Hán, bắt đầu công tác điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh Covid-19. Nhóm điều tra dự kiến ở lại Trung Quốc thêm hai tuần nữa và sẽ tới chợ hải sản Hoa Nam – nơi bùng phát ổ dịch đầu tiên tại Vũ Hán. Các chuyên gia cũng sẽ tới Viện Virus học Vũ Hán. Viện Virus học Vũ Hán là nơi có phòng thí nghiệm bị cáo buộc làm rò rỉ virus SARS-CoV-2 song phía Trung Quốc luôn phủ nhận giả thuyết này. Trước đó, công tác điều tra của phái đoàn WHO bị cản trở bởi sự chậm trễ, lo ngại về khả năng tiếp cận và mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Mỹ. Nhóm điều tra trước đó dự định đến Vũ Hán vào đầu tháng 1. Tuy nhiên, công tác có vẻ chậm trễ do Trung Quốc trì hoãn cho họ nhập cảnh. Điều này đã khiến người đứng đầu WHO từng bày tỏ sự “thất vọng” và thúc giục Chính phủ Trung Quốc cho nhóm điều tra vào.

Trong một tuyên bố gần đây, nhóm điều tra quốc tế của WHO khẳng định họ đến Vũ Hán để điều tra “chân tướng” sự việc, song không phải để chứng minh quốc gia nào có tội khiến dịch bệnh lây lan. Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc, bao gồm cáo buộc từ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng họ đã tìm cách che giấu đại dịch.