Thế giới "đứng ngồi không yên" với tân cố vấn an ninh Mỹ
Việc ông John Bolton được chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khiến dư luận hoài nghi về triển vọng đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington-Bình Nhưỡng đang ở giai đoạn quan trọng.
Tân Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: Bloomberg |
Nền ngoại giao thế giới "đứng ngồi không yên" trước quyết định bổ nhiệm ông John Bolton làm Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Thật đáng lo ngại", một quan chức Hàn Quốc nói, trong khi Ngoại trưởng Nhật Bản thừa nhận "có một chút bất ngờ".
Ông John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ dưới thời tổng thống George W. Bush, sẽ thay thế tướng 3 sao đã từng qua chinh chiến H.R McMaster tại Cánh Tây Nhà Trắng. Sự ra đi của ông McMaster, được cho là lực lượng kiểm soát tổng thống, và người mới đến Bolton, một trong những chính khách bảo thủ và hung hăng nhất trong thế giới chính sách đối ngoại Mỹ, làm lan truyền nỗi sợ hãi trong giới ngoại giao rằng, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẵn sàng để có một bước ngoặt ngoạn mục.
Một cố vấn Bolton hiếu chiến sẽ cùng với ông Mike Pompeo, vừa được đề cử làm Ngoại trưởng, và bà Gina Haspel, tân Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) trở thành bộ ba cố vấn cho ông Trump chuyển hướng các cuộc đàm phán chưa từng có với Triều Tiên, xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, cũng như làm gia tăng căng thẳng với Nga và Trung Quốc.
LHQ gặp khó
Ông Richard Gowan, một nhà phân tích thuộc Đại học Columbia (Mỹ), nhận định, LHQ sắp sửa đối mặt với những khó khăn đáng kể" khi ông Bolton trở thành Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.
"Ông Bolton không chỉ đơn giản là không thích LHQ mà ông đã nhiều lần bày tỏ sự hoài nghi về vai trò của tổ chức này", ông Gowan cho biết. Theo ông Gowan, với việc Tổng thống Trump không thích LHQ, ông Bolton có thể làm xấu thêm mối quan hệ không mấy thân thiện này. Chính quyền ông Trump đã cắt bớt các khoản đóng góp ngân sách dành cho LHQ, thu hẹp các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, nhưng dưới sự "đạo diễn" của ông Bolton, mọi thứ có thể sẽ còn bị cắt kinh khủng hơn thế. "Ông ấy có thể buộc Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley và ông Pompeo tìm cách làm suy yếu LHQ một cách quyết liệt và dứt khoát, chứ không chỉ đơn thuần là cắt giảm ngân sách", ông Gowan nhận định.
Tấn công Triều Tiên?
Tại Châu Á, Mỹ đang đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán cũng như một Triều Tiên không thể đoán định. "Đây là một tin đáng lo ngại", ông Kim Hack-yong, một nghị sĩ bảo thủ Triều Tiên, người đứng đầu ủy ban quốc phòng của quốc hội, cho biết.
Quan điểm của ông Bolton về Bình Nhưỡng gần đây nhất được thể hiện trong bài bình luận hôm 28-2 trên WSJ, trong đó ông cho rằng tấn công Triều Tiên là "hoàn toàn hợp pháp". "Triều Tiên là mối đe dọa sắp xảy ra với Mỹ vì chỉ còn vài tháng nữa nước này có thể đạt được năng lực phóng đầu đạn hạt nhân tới lục địa Mỹ. Do đó, việc Mỹ tự vệ bằng cách tấn công Triều Tiên trước là điều hoàn toàn hợp pháp", ông viết.
Ông Bolton thể hiện đậm nét tư tưởng chủ chiến với Triều Tiên. Không lâu sau khi ông Trump tuyên bố đồng ý gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 5 tới, ông Bolton trả lời phỏng vấn kênh Fox News rằng Triều Tiên sẽ không tình nguyện từ bỏ mục tiêu theo đuổi tên lửa tầm xa gắn đầu đạn hạt nhân, đồng thời nhận định Bình Nhưỡng chỉ muốn câu giờ.
Ông Kim Hack-yong là một trong nhiều nhà quan sát lo lắng về những hậu quả nếu cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un không diễn ra như kế hoạch. "Nếu ông Bolton nhậm chức, đàm phán với Triều Tiên bị lu mờ và mang lại những kết quả tồi tệ, tôi không biết chúng tôi sẽ phải làm gì", ông Kim nói. "Bất cứ một hướng đi tiêu cực nào đều có nghĩa là tất cả những nỗ lực của chúng tôi trong nhiều năm qua đối với Triều Tiên đều trở thành mây khói", ông Kim cho biết.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết có "một chút bất ngờ" khi cựu Cố vấn an ninh quốc gia McMaster từ chức, vì ông mới gặp ông McMaster tuần trước ở Washington. Ông Kono hy vọng sẽ không có những thay đổi lớn đối với "các thỏa thuận đã hoàn chỉnh" giữa Washington và Tokyo.
Đánh bom Iran?
Xuyên suốt Trung Đông là những phản ứng trái chiều. Trên khắp khu vực, các quốc gia đang chờ đợi để xem liệu ông Trump có rời khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran ngày 12-5 tới hay không.
Tại Iran, người phát ngôn của Hội đồng Quốc gia chỉ ra quan hệ của ông Bolton với một nhóm phản đối chính phủ Tehran và cho rằng điều này cho thấy, Washington vẫn tiếp tục ủng hộ các nhóm khủng bố đang hoạt động chống lại Iran. Ông Bolton có quan điểm cứng rắn đối với Iran. Ông từng phản đối nỗ lực của Tổng thống Barack Obama khi đó muốn xử lý chương trình hạt nhân của Iran thông qua đàm phán. Năm 2015, ông Bolton viết trên New York Times rằng, chỉ bằng cách đánh bom, Mỹ và Israel mới loại bỏ được các cơ sở làm giàu uranium của Iran và ngăn chặn được thảm họa.
Tại Israel, vai trò mới của ông Bolton thật sự là một tin tốt đáng chờ, bởi ông từng phản đối giải pháp hai nhà nước trong vấn đề Israel - Palestine.
AN BÌNH