Báo Công An Đà Nẵng

Thế giới “kháng chiến” chống Covid-19

Thứ tư, 01/04/2020 08:29

Cả thế giới đang bị khóa chặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, đang lan rộng trên toàn thế giới, vốn khiến hơn 800.000 người nhiễm bệnh và hơn 38.000 người tử vong.

Bệnh viện dã chiến ở Philadelphia, Mỹ ngày 30-3. Ảnh: AP

2/5 dân số toàn cầu ở trong nhà

Mặc dù có nhiều hy vọng ở Italia, nhưng các biện pháp cứng rắn vẫn được mở rộng trên toàn cầu, “giam giữ” 2/5 dân số toàn cầu ở trong nhà. Moscow và Lagos trở thành những thành phố lớn nhất thế giới “tham gia” vào danh sách mới nhất “các thành phố vắng tanh” do ảnh hưởng của Covid-19. Trong khi đó, Virginia và Maryland trở thành các tiểu bang mới nhất của Mỹ tuyên bố cách ly toàn diện, theo sau là thủ đô Washington DC, khiến 3/4 người Mỹ bị khóa chặt trong nhà.

Một tàu bệnh viện của quân đội Mỹ, tàu USNS Comfort của Hải quân Mỹ đến New York ngày 30-3. Con tàu với 1.000 giường sẽ giúp giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế bị kéo dài quá mức của thành phố, mang lại hy vọng cho một thành phố đang tuyệt vọng trong cuộc chiến chống Covid-19. “Con tàu là thông điệp của sự hy vọng và đoàn kết đến những người dân quả cảm của New York, thông điệp 70.000 tấn”, ông Trump nhấn mạnh. Hiện đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành nước Mỹ, với số người chết lên đến hơn 3.300 người trong số 163.000 ca nhiễm - con số cao nhất thế giới. Quân đội Mỹ khốn đốn khi hiện có hơn 1.000 ca mắc Covid-19 và Lầu Năm Góc chính thức xác nhận một quân nhân tại ngũ đầu tiên tử vong do bệnh dịch. Tổng thống Donald Trump tìm cách trấn an người Mỹ rằng, các nhà chức trách đang tăng cường phân phối các thiết bị cần thiết như máy thở và thiết bị bảo hộ cá nhân. Nhưng ông cũng đưa ra cảnh báo nghiêm khắc, nói rằng “thời gian thử thách đang ở phía trước trong 30 ngày tới” khi ông thừa nhận đặt hàng mua hàng ngàn máy thở. “Chúng tôi đang nỗ lực sắp xếp tất cả mọi thứ”, ông Trump nói, ví von những nỗ lực chống dịch là một "cuộc chiến".

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chuẩn bị được giao 1.400 máy thở vào đầu tháng 5 như một phần của thỏa thuận trị giá 84,4 triệu USD được ký cuối tuần qua. Thông báo cho biết, Cơ quan Hậu cần Quốc phòng (DLA) sẽ mua tổng cộng 8.000 máy thở từ 4 Cty, gồm Combat Medical Systems, Hamilton Medical, VyAire Medical và Zoll Medical Corp.

“Tôi đã khóc”

Số ca mắc Covid-19 được xác nhận trên toàn thế giới liên tục gia tăng trong khi số ca tử vong cũng vậy, đặt tất cả các quốc gia phải chịu áp lực rất lớn. “Thức dậy sáng nay tôi đã khóc. Tôi đã khóc khi chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ”, y tá người Pháp Elise Cordier thú nhận trên facebook trong bài đăng tiết lộ nỗi sợ hãi và nỗi thống khổ của những người ở tuyến đầu. Nhưng, cô ấy nói, “một lần trong “phòng thay đồ bệnh viện, tôi đã lau nước mắt. Tôi thở vào. Tôi thở ra. Những người trên giường bệnh viện cũng khóc, và chính tôi là người ở đó để lau khô nước mắt cho họ”.

Các nhà lãnh đạo thế giới - một vài người trong số họ bị mắc kẹt hoặc bị cô lập - vẫn đang vật lộn để tìm cách đối phó với một cuộc khủng hoảng đang tạo ra những cơn chấn động kinh tế và xã hội chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II. Việc cách ly xã hội đã khiến hàng triệu người mất việc và buộc các chính phủ phải gấp rút thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế lớn. Các chuyên gia ở Đức, cường quốc kinh tế của Châu Âu, cho biết, virus này sẽ thu hẹp sản lượng tại đây trong năm nay tới 5,4%. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, sự sụp đổ kinh tế từ đại dịch có thể khiến cho kinh tế của Trung Quốc phải rùng mình và khiến hàng triệu người Đông Á rơi vào cảnh nghèo đói. Trong báo cáo về tình hình kinh tế ngày 30-3, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tình trạng suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra có nguy cơ khiến tăng trưởng của Trung Quốc lâm vào thế bế tắc, đồng thời đẩy 11 triệu người ở Đông Á rơi vào tình cảnh nghèo đói.

Tại Italia, sau nhiều tuần phong tỏa, đã có các dấu hiệu cho thấy hành động quyết liệt có thể làm chậm sự lây lan của dịch bệnh này. Mặc dù số người chết tăng lên 11.591 người, số ca nhiễm chỉ tăng 4,1%. “Dữ liệu cho thấy niềm hy vọng nhưng công việc của chúng tôi vẫn tiếp tục”, Giulio Gallera, Giám đốc y tế của vùng Bologna, khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất của Italia nói. Tây Ban Nha cũng công bố thêm 812 trường hợp tử vong do virus trong 24 giờ, vượt qua Trung Quốc. Ngay cả khi hệ thống y tế của Mỹ bị quá tải, Tổng thống Trump cho biết đã gửi hỗ trợ cần thiết đến Italia, Pháp và Tây Ban Nha.

KHẢ ANH