Báo Công An Đà Nẵng

Thế giới nín thở lo ông Trump “trảm” JCPOA

Thứ tư, 09/05/2018 08:48

Tổng thống Donald Trump đang đếm ngược thời gian trước quyết định bước ngoặt: có thể “trảm” di sản lịch sử của người tiền nhiệm Barack Obama - thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Việc rút khỏi thỏa thuận này được cảnh báo sẽ gây ra cuộc khủng hoảng nguy hiểm trên toàn thế giới.

Iran cảnh báo sẽ mở lại các hoạt động làm giàu uranium quy mô quân sự nếu Mỹ hủy bỏ JCPOA 
Trong ảnh: Bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran.

Chiều 8-5 (sáng 9-5, giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có quyết định cuối cùng định đoạt số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), một thỏa thuận mà ông chủ Nhà Trắng nhiều lần chỉ trích rất gay gắt.

Tất nhiên, quyết định của ông Trump sẽ được theo dõi chặt chẽ trên khắp Trung Đông, nơi một số cường quốc đang cân nhắc các chương trình hạt nhân của riêng họ, và đặc biệt là ở Bình Nhưỡng - nơi đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Khe cửa quá hẹp

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký vào ngày 14-7-2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức). Và tháng 1-2016, các bên bắt đầu bước vào giai đoạn thực hiện. Tehran đồng ý hạn chế các hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích thỏa thuận và thậm chí gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất” trong lịch sử của Mỹ. Ông Trump khẳng định thỏa thuận này không ngăn ngừa được khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời đe dọa sẽ rút khỏi JPCOA, nếu thỏa thuận này không được sửa đổi, theo hướng cứng rắn hơn với Tehran. Nhưng Iran cũng không vừa. Phía Tehran nhiều lần tuyên bố sẽ không đàm phán lại, quyết tâm bác bỏ những yêu sách của Tổng thống Trump về việc thay đổi thỏa thuận, và chỉ trích đây giống như “hành động bắt nạt”. Những ngày tháng đàm phán như con thoi giữa Mỹ và các đồng minh Châu Âu cũng rơi vào bế tắc khi Berlin, London và Paris từ chối viết lại thỏa thuận.

Vì vậy, hầu hết các nhà phân tích cho rằng, ông chủ Nhà Trắng sẽ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này. Quyết định này có thể đánh dấu một chữ ký quan trọng tại thời điểm bước ngoặt cho chiếc ghế Tổng thống đầy sóng gió của ông Trump. Nó mang lại cho ông cơ hội để củng cố triết lý “Nước Mỹ trên hết”. Nhưng các nhà quan sát rất lo ngại khi ông Trump đang phớt lờ những rủi ro khó lường trong một kịch bản xấu nhất là có thể dẫn đến chiến tranh với Iran.

Liệu có kế hoạch B?

Các nhà ngoại giao phương Tây thực ra vẫn nỗ lực hàng giờ để thuyết phục ông Trump ở lại hoặc đàm phán các điều khoản thay đổi thỏa thuận.

Trong chuyến thăm đến Mỹ hồi tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đặt trọng tâm thuyết phục Tổng thống Trump ở lại với thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông Macron không thành công. Ngay sau khi trở về Pháp, nhà lãnh đạo này đã thừa nhận rằng, khả năng ông Trump hủy bỏ thỏa thuận là “ngay trước mắt”. Tuyên bố mạnh mẽ của Iran và những động thái gần đây từ Nhà Trắng cho thấy, khả năng ông Trump rút khỏi thỏa thuận lịch sử là rất lớn. Nhiều nước lo ngại trước viễn cảnh này và đang nỗ lực chạy đua nước rút để cứu vãn tình hình.

Hôm 6-5, ông Macron cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh nếu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận này. “Chúng ta sẽ mở chiếc hộp Pandora. Có thể xảy ra chiến tranh. Tôi không nghĩ Tổng thống Trump muốn chiến tranh”, Tổng thống Macron nêu rõ. Nga cũng cảnh báo, việc hủy bỏ JCPOA về chương trình hạt nhân của Iran sẽ ảnh hưởng những nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời không thuyết phục Bình Nhưỡng rằng, những thỏa thuận có thể đạt được trong tương lai với Bình Nhưỡng sẽ được tuân thủ.

Trong khi đó, phía Anh trấn an thế giới rằng, họ có thể giải quyết kịp thời mối lo ngại của Tổng thống Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm ngăn cản việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Iran sẽ làm gì?

Tehran đưa ra các thông điệp hỗn hợp về những phản ứng của họ nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận, trong đó có khả năng rất cao là sẽ mở lại các hoạt động làm giàu uranium quy mô quân sự.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng tuyên bố Tehran sẽ ở trong thỏa thuận ngay cả khi Mỹ rút lui, nhưng không rõ liệu các lãnh đạo quân sự cứng rắn của Iran hay lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei có cùng quan điểm hay không. Mới đây, một cố vấn cấp cao cho ông Khamenei, nhấn mạnh, nước này sẽ không duy trì thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới nếu Mỹ quyết định từ bỏ thỏa thuận này.

Nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, mọi áp lực sẽ đổ dồn vào Tổng thống Rouhani, nhà lãnh đạo ôn hòa có công kiến thiết nên thỏa thuận này. Nền kinh tế Iran - vấn đề quan trọng mà ông Rouhani từng cam kết sẽ được củng cố nhờ thỏa thuận này - tiếp tục suy yếu.

KHẢ ANH