Thế giới “sống chung với Covid-19”
Các nước trên khắp thế giới tiếp tục từng bước đưa ra những quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội. Người dân nhiều nơi bắt đầu trở lại với cuộc sống “bình thường mới” bất chấp nỗi lo về nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan Covid-19 thứ 2.
Học sinh lên lớp học với những tấm khiên nhựa được đặt trên bàn tại trường trung học Jeonmin ở Daejeon, Hàn Quốc hôm 20-5. Ảnh: Yonhap |
Một cuộc sống “bình thường mới” diễn ra nhộn nhịp tại nhiều nước Châu Á khi các quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra làn sóng Covid-19 thứ 2 như tại Hàn Quốc, Singapore hay Nhật Bản sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia đang bắt đầu nới lỏng các giãn cách xã hội.
Tại Hàn Quốc, hàng trăm ngàn học sinh trung học đã được kiểm tra nhiệt độ và rửa tay bằng chất khử trùng khi bắt đầu trở lại trường học vào ngày 20-5, lần đầu tiên kể từ cuối năm 2019 sau khi học kỳ mới liên tục bị hoãn do đại dịch Covid-19. Học sinh và giáo viên được yêu cầu đeo khẩu trang và một số trường lắp đặt vách ngăn nhựa xung quanh bàn học. Trong động thái nhắc nhở về cái gọi là cuộc sống “bình thường mới” trong đại dịch, hơn 60 trường học gần Seoul đã nhanh chóng cho học sinh về nhà sau khi 2 học sinh bị phát hiện nhiễm bệnh, dù cả hai đều không đến trường. Dự kiến nước này sẽ mở lại trường học theo từng giai đoạn cho đến ngày 8-6 trong bối cảnh số lượng ca nhiễm mới đã giảm xuống còn khoảng 30 mỗi ngày, từ con số hàng trăm vào đầu tháng 3.
Việc nối lại cuộc sống thường ngày trong đại dịch đã tăng tốc trong những tuần gần đây, khi các chính phủ và cộng đồng cố gắng cân bằng giữa việc ngăn chặn các ca lây nhiễm và cho phép các nền kinh tế hoạt động. Đây là một sự trở lại với vẻ ngoài bình thường rất khác, từ những người lao động nhập cư ở Ấn Độ, vốn cuối cùng cũng có thể bắt những chuyến tàu trở về làng, cho đến những người mua sắm giàu có ở Maseratis. Và Rolls-Royces cũng đã trở lại các cửa hàng Rodeo Drive mang tính biểu tượng của Mỹ ở Beverly Hills.
Khi cuộc tranh cãi vẫn rất gay gắt quanh việc mở cửa trở lại nền kinh tế ở Mỹ, các quan chức y tế công cộng ở một số bang bị cáo buộc thống kê gian dối ca mắc Covid-19 hoặc thậm chí sử dụng “một chút ánh sáng le lói” để cố tình làm cho mọi thứ trở nên tốt hơn so với thực tế. Rủi ro là các chính trị gia, chủ doanh nghiệp và người dân Mỹ bình thường, những người sẽ đưa ra quyết định về lệnh phong tỏa và các vấn đề hàng ngày khác có thể ấn tượng rằng, virus đã được kiểm soát. Chẳng hạn, tại Virginia, Texas và Vermont, các quan chức cho biết họ đã kết hợp các kết quả xét nghiệm, cho thấy các ca nhiễm hiện tại, với xét nghiệm kháng thể, cho thấy các các nhiễm trong quá khứ. Các chuyên gia y tế công cộng nói rằng, điều này có thể tạo ra kết quả xét nghiệm ấn tượng nhưng không đưa ra một bức tranh chân thực về cách thức lây lan của virus.
Tại Florida, nhà khoa học dữ liệu Rebekah Jones, cho biết, cô bị sa thải vì từ chối thao túng dữ liệu, nhằm tạo ra “con số đẹp” cho kế hoạch mở cửa trở lại. Hiện, các quan chức bang này vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Tại Georgia, một trong những tiểu bang công bố biện pháp nới lỏng sớm nhất và đảm bảo an toàn cho người dân, Bộ Y tế Công cộng công bố một biểu đồ vào ngày 11-5 cho thấy, các ca Covid-19 giảm dần. Tuy nhiên, vấn đề là các con số không được sắp xếp theo thứ tự thời gian mà theo thứ tự giảm dần. Ví dụ, tổng số ngày 7-5 lại nằm trước ngày 26-4, sau đó là ngày 3-5. Nếu nhìn thoáng qua, mọi người có thể dễ dàng hiểu nhầm số ca nhiễm suy giảm. Biểu đồ này đã được gỡ xuống 1 ngày sau đó.
Đại diện bang Georgia, Jasmine Clark, một đảng viên Dân chủ với bằng tiến sĩ về vi trùng học, cho biết, biểu đồ này là một ví dụ về “sự cố điển hình”. Văn phòng Thống đốc Brian Kemp, phủ nhận cáo buộc đánh lừa người dân. Theo hướng dẫn từ Nhà Trắng, trước khi các bang bắt đầu mở cửa trở lại, số ca bệnh phải cho thấy xu hướng giảm trong 14 ngày. Tuy nhiên, một số tiểu bang mở cửa trở lại khi các ca nhiễm vẫn đang leo thang.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, cho đến nay, gần 5 triệu người trên toàn thế giới được xác nhận mắc Covid-19 và hơn 320.000 ca tử vong được ghi nhận. Nga và Brazil hiện chỉ đứng sau Mỹ về số ca nhiễm, và các ca nhiễm cũng đang tăng ở những nơi như Ấn Độ, Nam Phi và Mỹ Latinh. Mexico hiện đang trong đỉnh dịch dự kiến kéo dài 2 tuần tới. Với tỷ lệ người nghèo trên 30% dân số, sự bất bình đẳng xã hội cao và hệ thống y tế yếu kém, Mỹ Latinh đang phải đối mặt với các thách thức lớn trong công tác dập dịch, thậm chí là phải chống chọi với dịch bệnh kép khi sốt xuất huyết xuất hiện cùng lúc.
Trong khi đó, các điểm nóng mới lại xuất hiện ở Nga và nước này ghi nhận gần 9.300 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên tới gần 300.000, khoảng một nửa trong số đó ở Moscow. Nhà chức trách nước này cho biết hơn 2.800 người mắc Covid-19 đã chết ở Nga.
KHẢ ANH