Báo Công An Đà Nẵng

Thế giới tiếp tục đối mặt “những ngày đen tối” vì Covid-19

Thứ sáu, 31/07/2020 16:00

Cứ mỗi phút có một người dân ở Mỹ chết vì Covid-19 khi số người tử vong do dịch bệnh tại nước này (tính vào sáng 30-7) đã vượt quá 153.000, cao nhất thế giới.

Hơn 153.000 người Mỹ đã tử vong vì Covid-19.   Ảnh: AP

Thế giới lại tiếp tục sống trong “những ngày đen tối” kinh hoàng khi dịch Covid19 bắt đầu tăng tốc lây lan. Theo thống kê của Reuters, số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 2 tháng qua. Tính đến sáng 30-7, số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ là hơn 153.000 người, cao nhất trên toàn thế giới.

Tiếp tục làn sóng dịch thứ nhất?

Mỹ hiện là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, với hơn 4,51 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chỉ trong ngày 29-7, Mỹ ghi nhận 1.461 ca tử vong mới, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ ngày 17-5 với 1.484 người chết. Con số tử vong do virus ở Mỹ đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 2 tháng và đã tăng 10.000 trong 11 ngày qua. Trên toàn quốc, số ca tử vong đã tăng trong 3 tuần liên tiếp trong khi số ca mắc mới hàng tuần gần đây đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6. Theo thống kê, cứ mỗi phút có một người dân ở Mỹ chết vì Covid-19.

Số ca nhiễm gia tăng ở Arizona, California, Florida và Texas trong tháng này. Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Lực lượng y tế ở Mỹ đang nỗ lực cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19. Các quốc gia phải quay ngược lại lệnh phong tỏa, vốn được nới lỏng từ hồi tháng 4 để ngăn đà lây lan của virus. Bang Texas dẫn đầu cả nước với gần 4.300 người chết trong tháng này, tiếp theo là Florida với 2.900 và California, tiểu bang đông dân nhất, với 2.700 ca. Trong số 20 quốc gia có dịch lớn nhất, Mỹ đứng thứ 6 về tử vong trên đầu người, ở mức 45 người tử vong trên 100.000 người. Con số này vượt Anh, Tây Ban Nha, Italia, Peru và Chile.

Không chỉ Mỹ, Châu Âu và khắp thế giới đều chứng kiến số ca mắc mới tăng cao đáng lo ngại. Trung Quốc - nơi đầu tiên xuất hiện các ca bệnh Covid-19 cuối năm 2019 - bất ngờ ghi nhận 101 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Đây là con số cao nhất một ngày trong khoảng hơn 3 tháng qua. Trong đó có đến 98 ca lây nhiễm trong cộng đồng, với khu tự trị Tân Cương chiếm nhiều nhất, sau đó đến thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Và sau đó ít nhất 9 thành phố ghi nhận các ca mới có liên quan ổ dịch ở Đại Liên. So với các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Châu Mỹ và Nam Á, tình hình dịch Covid-19 tại Châu Âu hiện tại không đáng lo bằng, nhưng cũng đang có những dấu hiệu rõ rệt về việc dịch đang quay trở lại khi các nước đều ghi nhận các ca mắc mới virus SARS-CoV-2.

Giới truyền thông quốc tế đã nói về làn sóng dịch thứ 2 đang bùng nổ. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây chỉ là sự tiếp tục của làn sóng dịch thứ nhất.

Nguyên nhân vì sao?

Nói về nguyên nhân của việc gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV2, giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn do sự buông lỏng cảnh giác của người dân.

Theo họ, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chưa có bất cứ thời điểm nào các nước loại bỏ được virus SARS-CoV-2, tức không có ngày nào mà không có người mắc bệnh mới và tử vong mới. Tại Châu Âu cũng vậy. Ngay trong thời điểm các nước gỡ bỏ phong tỏa vào đầu tháng 5, mỗi ngày các nước Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha… đều ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới và hàng chục ca tử vong. Nước Anh thậm chí còn có hàng trăm ca tử vong mỗi ngày ở thời điểm cách đây 2 đến 3 tuần. Vì thế, virus trên thực tế vẫn luôn tồn tại và lây lan trong cộng đồng tại Châu Âu. Phải chăng lúc đó làn sóng lây lan giảm do các nước đã xây dựng được một chiến lược phát hiện, truy vết và bao vây các ổ dịch hiệu quả, qua đó kiểm soát tương đối tốt tình hình sau khi gỡ bỏ phong tỏa. Người dân Mỹ và Châu Âu cũng có ý thức tốt hơn trước kia, khi chịu khó đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nơi công cộng.

Nhưng từ tháng 6, các nước đều bước vào kỳ nghỉ hè, là kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm nên hàng triệu người ở các nước đổ đi nghỉ. Tâm lý xả hơi sau một thời gian phong tỏa căng thẳng, cộng thêm sự chủ quan khi tình hình dịch bớt nghiêm trọng hơn khiến họ phớt lờ các các biện pháp an toàn. Đây là vấn đề chung của tất cả các nước, nhất là Châu Âu, khi người dân mất cảnh giác nên virus lại có cơ hội lây lan nhanh hơn và được coi là nguyên nhân chính. Ngoài ra, tại Châu Âu, có thể virus xâm nhập từ các khu vực khác trên thế giới. Đây là khả năng không thể loại trừ bởi từ ngày 15-7 thì Châu Âu đã mở cửa biên giới với 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

KHẢ ANH