Báo Công An Đà Nẵng

Thế giới với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất

Thứ năm, 16/03/2017 08:55

(Cadn.com.vn) - Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ năm 1945. Hiện tại, có tới hơn 20 triệu người ở 4 quốc gia là Yemen, Nam Sudan, Somalia và đông bắc Nigeria đang có nguy cơ chết đói nếu không được sự hỗ trợ của thế giới. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo 1,4 triệu trẻ em có thể chết đói vào năm nay.

Người phụ trách vấn đề Nhân đạo của LHQ Stephen O’Brien cho biết: “Chúng ta đang đứng trước một thảm họa lịch sử. Ngay từ đầu năm, chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ khi LHQ thành lập. Hiện giờ, hơn 20 triệu người ở 4 quốc gia phải đối mặt với nạn đói. Theo ông O’Brien, LHQ cần có 4,4 tỷ USD trước tháng 7 năm nay để hỗ trợ cho 4 nước trên, nhằm tránh “thảm họa”. Tháng trước, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. Vào thời điểm đó, ông cho biết LHQ chỉ mới nhận được 90 triệu USD tiền hỗ trợ.

Yemen

Hình ảnh những đứa trẻ gầy còm, chỉ sống với chút sức lực còn lại, trẻ 4 tuổi chỉ bằng trẻ sơ sinh khiến cả thế giới thương xót. Các bà mẹ không thể làm điều gì để con mình không chết. Ước tính, cứ 10 phút trôi qua lại có 1 trẻ em chết ở Yemen do những căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Hơn 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại nước này bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. LHQ ước tính khoảng 19 triệu người (tương đương 2/3 dân số Yemen) đang cần trợ giúp nhân đạo sau 2 năm chiến tranh giữa quân nổi dậy Houthi và quân chính phủ, được hậu thuẫn bởi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu.

Chiến tranh khốc liệt, pháp luật bị coi thường, quản lý kém, đất nước không phát triển. Lệnh cấm vận do liên minh Saudi Arabia đưa ra xung quanh khu vực cảng Aden và các cuộc không kích tại cảng Hudaydah do chính phủ kiểm soát khiến hàng hóa không thể đưa vào Yemen. Thiếu nhiên liệu, cùng với sự mất an ninh, chợ, đường sá bị phá hủy ngăn cản việc phân phối hàng cứu trợ.

Mohannad Ali, 5 tuổi trong bệnh viện ở Yemen. Em của cậu bé, chỉ mới 2 tuổi, đã chết vì đói. Ảnh: BBC

Nam Sudan

Theo LHQ, 100.000 người Nam Sudan đang đối mặt với nạn đói, trong khi hơn một triệu người được xếp vào nhóm có nguy cơ đói. Đây là trường hợp khẩn cấp nhất về tình trạng khẩn cấp lương thực hiện nay. LHQ cho biết, 4,9 triệu người (tương đương 40% dân số Nam Sudan) “đang cần trợ cấp thực phẩm, nông nghiệp và dinh dưỡng khẩn cấp”.

Đất nước đang chiến tranh từ năm 2013. Các đoàn xe và kho hàng nhân đạo đến Nam Sudan bị tấn công hoặc bị cướp bóc.

Nigeria

LHQ mô tả thảm họa đang diễn ra ở đông bắc Nigeria là “cuộc khủng hoảng lớn nhất trên lục địa”. Nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã giết chết 15.000 người và buộc hơn 2 triệu phải rời bỏ nhà. Hàng nghìn người đang sống trong điều kiện đói kém cần được giúp đỡ khẩn cấp. Hồi tháng 12-2016, LHQ ước tính có 75.000 trẻ em có nguy cơ chết đói, 7,1 triệu người khác ở Nigeria và khu vực Hồ Chad được xếp vào nhóm “mất an toàn về lương thực”.

Hiện tại vẫn còn nhiều khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Boko Haram nên các cơ quan hỗ trợ không thể tiếp cận. Nạn trộm cắp hàng viện trợ đang diễn ra rộng rãi.

Somalia

Lần gần đây nhất Somalia tuyên bố nạn đói là vào năm 2011 với gần 260.000 người chết. Đầu tháng này, đã có báo cáo về 110 người chết trong một khu vực chỉ trong 48 giờ. Các nhóm nhân đạo lo ngại đây chỉ là sự khởi đầu: thiếu nước - một phần là do hiện tượng El Nino – khiến gia súc chết và mùa màng bị phá hoại – và khiến 6,2 triệu người cần sự giúp đỡ khẩn cấp.

Somalia hiện đang chịu đựng các cuộc  tấn công liên tiếp của nhóm phiến quân Hồi giáo al-Shabab. Cướp biển ngoài khơi Somalia cũng cản trở hàng hóa được vận chuyển đến đây.

An Bình (Theo BBC)