Báo Công An Đà Nẵng

Thế giới với gần 1 triệu người nhiễm bệnh

Thứ sáu, 03/04/2020 11:52

Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã lên đến gần 1 triệu người vào ngày 2-4 khi đại dịch lan truyền với tốc độ “theo cấp số nhân”, trong đó có một em bé 6 tuần tuổi trở thành một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất tử vong do mắc SARS-CoV-2.

Theo trang mạng Worldometer, tính đến sáng 2-4 (giờ Việt Nam), trên thế giới hiện có 910.323 ca mắc Covid-19 và 45.496 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 190.901 người. Trên thế giới có tới 34.855 bệnh nhân đang trong tình trạng nặng.

Một bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Ngày chết chóc nhất ở Mỹ

CNN dẫn dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, hơn 5.000 người đã chết vì Covid-19 ở Mỹ. Đó là một cột mốc quan trọng đối với nước Mỹ, nơi đã chứng kiến số ca nhiễm và tử vong gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây.

Tổng số ca tử vong là 5.119 và ít nhất 216.515 ca nhiễm được ghi nhận. Số ca nhiễm tại Mỹ hôm 1-4 đã tăng gấp đôi so với hôm 27-3 trong bối cảnh Mỹ tăng cường các cuộc xét nghiệm trên diện rộng và dịch bùng phát ở nhiều thành phố. Trong ngày 1-4, số ca tử vong ở mức kinh hoàng với 917 người chết. Thậm chí, theo thống kê trên trang mạng Worldometer, Mỹ ghi nhận 1.047 ca tử vong trong ngày 1-4. Bệnh nhân trẻ tuổi nhất trong số những người tử vong là một trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi ở Connecticut. New York tiếp tục là “ổ dịch” lớn nhất tại Mỹ với gần 2.000 ca tử vong và 84.000 người mắc Covid-19. Các quan chức Mỹ thậm chí cảnh báo số ca nhiễm sẽ tăng đột biến bên ngoài các trung tâm thành phố lớn. Đáng lo ngại hơn cho Mỹ khi bùng nổ ổ dịch trên tàu sân bay Theodore Roosevelt với hơn 100 ca được xác nhận. Theo các nguồn tin, các ca nhiễm sẽ được cách ly trong các khách sạn trên đảo Guam.

Tại Châu Âu, Anh, Pháp và Tây Ban Nha chứng kiến số ca tử vong trong một ngày tăng cao nhất. Cụ thể, số người chết tại Anh hôm 1-4 tăng 563 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 2.352. Trong khi đó, số người chết tại Pháp lập kỷ lục mới với 509 trường hợp. Như vậy, tổng số người tử vong lên đến 4.032 kể từ ngày 1-3, trong đó 83% trên 70 tuổi. Tối 1-4, Thủ tướng Edouard Philippe đã có buổi điều trần trước Quốc hội về cuộc chiến chống đại dịch. Được hỏi về thời hạn bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại, hiện bước sang tuần thứ ba, ông Philippe cho biết, các nhóm làm việc dựa trên một số giả thuyết để đưa ra nhiều kịch bản. “Có thể việc dỡ bỏ lệnh này sẽ không diễn ra "cùng một lúc cho tất cả mọi nơi và tất cả mọi người", ông nhấn mạnh.

Italia ngày 2-4 tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa đất nước đến ngày 13-4.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi ký sắc lệnh, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết, các quy định hạn chế như hiện nay sẽ tiếp tục được kéo dài đến ngày 13-4. Tuy nhiên, Thủ tướng Conte khẳng định: “hiện chưa có cơ sở để khẳng định các quy định hạn chế sẽ được nới lỏng sau ngày 13-4. Các quyết định của chính phủ sẽ dựa trên ý kiến của hội đồng  khoa học.

Mỹ tiếp tục đổ lỗi Trung Quốc

Khi đại dịch hoành hành trên khắp thế giới, Mỹ tiếp tục chỉ trích gay gắt Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát SARS-CoV-2.

Theo 3 quan chức Mỹ, trong một báo cáo mật gửi tới Nhà Trắng, cộng đồng tình báo Mỹ kết luận rằng, Trung Quốc đã giấu giếm mức độ lây lan của SARS-CoV-2, tường trình không đầy đủ cả về số ca mắc và số ca tử vong do căn bệnh nói trên. Những quan chức này đề nghị giấu tên do đây là báo cáo mật và từ chối tiết lộ nội dung. Tuy nhiên, họ nói rằng những báo cáo công khai của Trung Quốc về những ca nhiễm và ca tử vong là không đầy đủ một cách có chủ đích. Hai trong số những quan chức này cho hay, báo cáo của tình báo Mỹ kết luận rằng những con số của Trung Quốc là giả. Nhà Trắng đã tiếp nhận báo cáo này vào tuần trước.

Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này cho rằng, đây là những tuyên bố "trơ trẽn". Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần sửa đổi phương pháp thống kê số ca nhiễm, trong vài tuần họ loại trừ hoàn toàn những người không có triệu chứng, và chỉ trong ngày 31-3 đã bổ sung thêm 1.500 trường hợp không có triệu chứng vào tổng số.

Bà Deborah Birx, nhà nghiên cứu về miễn dịch của Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm cố vấn cho Nhà Trắng về ứng phó với Covid-19 hôm 31-3 nhấn mạnh báo cáo công khai của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới những giả định ở những nơi khác trên thế giới về bản chất của virus SARS-CoV-2. Bà nói: "Cộng đồng y tế đã đánh giá dữ liệu của Trung Quốc là: Điều này là nghiêm trọng, song nhỏ hơn điều mà bất kỳ ai đã nghĩ. Vì tôi nghĩ rằng chúng ta đã đã thiếu một lượng dữ liệu đáng kể, và giờ điều chúng ta thấy đã xảy ra với Italia và Tây Ban Nha".

KHẢ ANH