Báo Công An Đà Nẵng

Thế "kiềng 3 chân" mới

Thứ năm, 20/08/2015 08:44

(Cadn.com.vn) - Những thực tại của các khu vực trên toàn thế giới đang chuyển dịch nhanh chóng, với một số phân nhánh quan trọng.

Trong địa chính trị, thực tế chiến lược có thể thay đổi với tốc độ đáng ngạc nhiên, thậm chí ngay cả trước khi các nước có thể nhận ra rằng, sự dịch chuyển mang tính quyết định này có thể định hình tương lai cho những năm tới. Điều này dường như đúng với những đối thủ Chiến tranh Lạnh truyền thống như Nga và Pakistan, hai quốc gia mới chứng kiến mối quan hệ ấm dần lên trong thời gian qua. Dù là đồng minh của Ấn Độ và cho đến nay vẫn ủng hộ lập trường của New Delhi về Kashmir - khu vực đang tranh chấp với Pakistan -  nhưng Nga vẫn cho thấy những dấu hiệu rõ ràng về một mối quan hệ thoải mái hơn với Islamabad.

Điển hình nhất là việc Moscow sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt cho Pakistan. Vào tháng 11-2014, Nga ký "hợp tác quân sự" bước ngoặt với Pakistan. Hồi đầu tháng 7 này, đã có những báo cáo về việc Pakistan đang đàm phán để mua máy bay trực thăng Mi-35 của Nga chứ không phải là JF-17 của Trung Quốc. Ngoài ra, Cty nhà nước Nga Rostekh Corporation đang có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí dài hơn 1.000km ở Pakistan vào năm 2017 với chi phí ước tính khoảng 2,5 tỷ USD.

Sự chuyển động trong quan hệ Nga-Pakistan là một phần của sự thay đổi lớn cục diện chính trị quốc tế. Tại Châu Âu, Điện Kremlin đang bị lôi kéo vào cuộc chiến với phương Tây về vấn đề Ukraine. Tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, việc Trung Quốc cải tạo đất ở các đảo nhân tạo trên biển Đông làm gia tăng căng thẳng với các nước Châu Á-Thái Bình Dương khác, vốn là liên minh của Mỹ.

Một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu tác động từ các yếu tố bên ngoài có thể dẫn đến một liên minh các quốc gia vốn trước đây không tin tưởng lẫn nhau. Và câu ngạn ngữ "kẻ thù của kẻ thù là bạn" là câu trả lời thích hợp trong hoàn cảnh này.  Bắc Kinh là đồng minh truyền thống của Islamabad và có lịch sử hỗ trợ Pakistan chống lại đối thủ Ấn Độ. Liên kết Trung Quốc-Pakistan rất nổi tiếng và là "cái chân" vững chắc nhất trong thế "kiềng 3 chân" Nga-Trung-Pakistan. Trong khi đó, quan hệ Pakistan- Mỹ lại đang đóng băng.

Đối với Trung-Nga, Mỹ là đối thủ lớn "cần bị phế truất". Pakistan có đủ động lực để trở thành đối tác sẵn sàng trong cấu trúc an ninh Châu Á được định hình bởi Trung Quốc. Khi Ấn Độ đang nỗ lực đa dạng các nhà cung cấp quân sự, bao gồm cả Mỹ và Israel, Nga không còn nhìn thấy bất kỳ trở ngại nào trong việc thiết lập mối quan hệ chiến lược với Pakistan.

Trong tương lai, người ta có thể nhìn thấy sự tích hợp giữa ba nước, nhất là khả năng bổ sung cho nhau. Nga là nguồn thay thế công nghệ quân sự cho phương Tây và là nhà cung cấp năng lượng quan trọng. Kinh tế Trung Quốc mạnh mẽ hơn, với dự trữ ngoại hối đáng kể để tìm kiếm đầu tư và nguồn cung cấp năng lượng. Pakistan - nền kinh tế đang phát triển với dân số trẻ - đang cần cả cả hai nguồn cung cấp năng lượng và thiết bị quốc phòng.

Thanh Văn