Báo Công An Đà Nẵng

Thể thao và sự thích nghi

Thứ bảy, 31/07/2021 08:54

Chương trình thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 chưa kết thúc, nhưng có thể khẳng định không có huy chương nào cho 18 VĐV dự kỳ Thế vận hội lần thứ 32 này. Những niềm hy vọng trước ngày lên đường đều đã xuất quân và không thể tiến sâu.

Niềm hy vọng của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 Thạch Kim Tuấn (cử tạ) - đã phải cách ly thời gian dài trong điều kiện không có phương tiện tập luyện, dinh dưỡng thích hợp.

So với 5 năm trước, Đoàn Thể thao Việt Nam có thành tích đi xuống rõ rệt, cả về số lượng VĐV tham dự lẫn thành tích. Tại Rio 2016, Việt Nam có 23 VĐV tham dự ở 10 môn, giành một HCV, một HCB và thiết lập một kỷ lục đều do xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt được ở bộ môn bắn súng.

Lý do khiến thể thao Việt Nam “thụt lùi” so với kỳ Olympic trước đó chưa có ai lên tiếng. Song động thái của những người trong cuộc đã ám chỉ đến “thủ phạm” COVID-19.

Dịch COVID-19 đã trải qua gần 2 năm, lan rộng ra toàn cầu, làm điêu đứng mọi hoạt động của con người, trong đó có thể thao. Nhiều giải đấu mang tính lịch sử buộc phải dừng, hoãn hoặc phải thay đổi hình thức, thể thức để thích nghi với đại dịch. Bóng đá và thể thao Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Ngấm đòn” bởi dịch bệnh, bóng đá Việt Nam buộc phải thích ứng với tình hình, trên tinh thần sức khỏe của cầu thủ, HLV, cổ động viên là trên hết. Còn nhớ, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, một số trận đấu năm 2020 của V. League trên các sân phía bắc được phép đón khán giả vào sân và được xem là “điểm sáng” của bóng đá thế giới trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng đến mùa giải 2021 đã khác, nhất  là từ ngày 7-5 do các cầu thủ SLNA thuộc diện F2 của một người nhiễm COVID-19, giải phải tạm dừng, rồi đổ bể do dịch bùng phát trở lại.

Không chỉ riêng bóng đá, thể thao buộc phải thích nghi và chuyển đổi trong trạng thái mới. Song, không phải CLB, đơn vị, cơ quan chuyên môn nào cũng sớm thích nghi. Kết quả của đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic kỳ này là minh chứng rõ nhất. Từ việc chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020, nhiều nội dung của Thể thao Việt Nam đã thực sự lúng túng để tìm lối thoát. VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn đã phải cách ly thời gian dài trong điều kiện không có phương tiện tập luyện, dinh dưỡng thích hợp... hệ quả dẫn đến thi đấu thảm hại; các VĐV đấu kiếm, bắn súng, thể dục dụng cụ... cũng có kết quả dưới phong độ của chính mình. Điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo 2020 là bắn cung, cầu lông, boxing cũng phải dừng bước dù “đã nỗ lực vượt bậc”.

Có thể nói, những môn thể thao tập thể, đông người như bóng đá, bóng chuyền, marathon... “vỡ trận” do dịch bệnh là điều dễ hiểu, nhưng với các môn mà sự nỗ lực của VĐV, HLV, phương thức, điều kiện tập luyện mang tính quyết định như cử tạ, đấu kiếm, võ thuật, tennis... nếu thi đấu kém hiệu quả không thể đổ lỗi hoàn toàn cho dịch bệnh. Rõ ràng, sự phản ứng chậm chạp, thiếu đầu tư, thiếu chuyên nghiệp đã cho ra “nhân nào quả ấy”. Nhìn lại thể thao khu vực, Thái Lan, Philippnes, Indonesia vẫn có VĐV đoạt huy chương. Ở tầm châu lục, các VĐV Hàn Quốc vẫn liên tục phá kỷ lục thế giới, Olympic. Không thể nói rằng các nước trên không xảy ra dịch bệnh, thậm chí còn nặng nề hơn. Nhưng họ đã thành công trong việc thích nghi với hoàn cảnh, ở đây là đại dịch chưa có tiền lệ.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Nguyên trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại nhiều đại hội quốc tế đã tỏ sự đồng cảm với các VĐV Việt Nam. Ông chỉ rõ: “Những thất bại phần lớn do công tác quản lý, chứ không đến từ VĐV. VĐV chỉ là sản phẩm của quá trình quản lý thôi. Chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn và thay đổi triệt để từ cách quản lý, đến đầu tư và cả chiến lược phát triển”.

Một trong những vấn đề ông Minh tâm tư là nhận thức và tư duy về thể thao thành tích cao của số đông. Theo quan điểm của ông, VĐV dự thi các giải đấu, cụ thể ở đây là Olympic, phải đặt mục tiêu giành thành tích thay vì hô hào khẩu hiệu nỗ lực, tự hào, ý chí. “Những thứ đó không thể thay thế thành tích của VĐV. VĐV không giành được thứ hạng cao là vấn đề rất lâu đời và có tính quy luật, chiến lược chuẩn bị và cả trình độ của đối thủ”, ông nói.

Ông Minh nêu quan điểm: “Chiến lược phát triển, đường lối phát triển, quản lý phát triển là vấn đề thuộc về bậc lãnh đạo chứ không phải trách nhiệm của VĐV. Nhờ có đầu tư tốt, chiến lược tốt, quản lý tốt mới ra được VĐV tốt. Ngược lại, không thể đòi hỏi có những VĐV tốt khi những vấn đề ấy không được đảm bảo. Chúng là cả một quá trình kéo dài nhiều năm với sự nghiêm túc và có hệ thống, được đầu tư cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng được hệ thống đào tạo bài bản. Nói chung, đó là quá trình tốn kém và dài hơi. Những điều đó, thể thao Việt Nam chưa làm được”.

Chưa làm được chứ không phải là không làm được... các nhà quản lý, hoạch định cho thể thao Việt Nam phải nhớ điều này.

T.S