Báo Công An Đà Nẵng

Thể thao Việt Nam: Một thập kỷ thành công và hành trình mới đang chờ

Thứ hai, 29/03/2021 10:57

10 năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01-12-2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao, đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc khóa XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Mạnh dạn đầu tư ở các môn trọng điểm giúp thể thao Việt Nam liên tục gặt về những thành công.

Chiến lược phát triển này đã mang lại không ít thành công. Từ SEA Games 2011 tới 2019, đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 trên bảng xếp hạng huy chương. Đáng chú ý, thành công ở Đại hội thể thao Đông Nam Á chính là bàn đạp cho bước tiến tới với những sân chơi lớn trên thế giới, đặc biệt là Olympic.

Như ở SEA Games 2015, gần 90% số Huy chương Vàng của đoàn thể thao Việt Nam tới từ các môn Olympic, trong đó ba môn chủ lực điền kinh, bơi và thể dục dụng cụ đóng góp đến 30 huy chương vàng. Gần nhất, SEA Games 2019 ghi nhận đoàn Việt Nam đứng thứ hai trên bảng xếp hạng, vượt mặt "đại kình địch" Thái Lan sau 16 năm.

Ngành thể thao quy hoạch tốt 32 môn trọng điểm như Điền kinh, bơi, cử tạ, taekwondo, vật (hạng cân nhẹ), bắn súng, karatedo, boxing, cầu lông, bóng bàn và bóng đá, bóng chuyền,... Qua đó, lần đầu tiên thể thao Việt Nam giành về Huy chương Vàng Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đây là mốc son chói lọi nhất của ngành trong lịch sử phát triển.

Hay như ở đấu trường châu lục, thể thao Việt Nam đoạt tổng cộng 75 huy chương, trong đó có 6 huy chương vàng ở Asian Games 2014 và 2018. Thành công đó chính là hiệu quả của việc thay đổi chiến lược trong đào tạo và mạnh dạn đầu tư.

Những năm qua, các vận động viên được đào tạo, đầu tư bài bản ở trong nước và quốc tế. Họ đã nhận được đãi ngộ cao, xứng đáng với mục tiêu kỳ vọng. Từ mức tiền 200.000 đồng/người/ngày năm 2011, vận động viên được đầu tư ở môn trọng điểm đã nhận 400.000 đồng/người/ngày năm 2019.

Thể thao Việt Nam sản sinh hàng loạt vận động viên tài năng, có khả năng tranh tài ở đẳng cấp thế giới như Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Văn Đương, Trần Quốc Cường, Nguyễn Thị Oanh, Thạch Kim Tuấn, Dương Thúy Vi... nhờ việc đầu tư cho vận động viên có triển vọng giành huy chương đi tập huấn dài hạn, tham gia thi đấu nhiều giải quốc tế nhằm nâng cao trình độ.

Cùng với đó, phần thưởng dành cho vận động viên giành thành tích cao tại SEA Games, Asian Games và Olympic không ngừng tăng lên để khích lệ tinh thần thi đấu và xứng đáng với nỗ lực.

Khép lại 10 năm, thể thao Việt Nam đã có một hành trình đầy trái ngọt ghi danh lịch sử và rất đáng tự hào. Trong số này, khoảnh khắc chúng ta ghi danh "bảng vàng" tại 2016 Olympic sẽ là dấu ấn mạnh mẽ nhất cho chặng đường dài không ngừng nỗ lực. Và tạm gác lại những thành công trong quá khứ, thể thao Việt Nam sẽ bắt đầu chặng đường mới với hàng loạt mục tiêu chờ được chinh phục trước mắt kể từ năm 2021. Gần nhất, một kỳ Thế vận hội đang chờ đợi. Hiện 5 vận động viên giành vé tham dự Olympic Tokyo. Ngành thể thao đặt kỳ vọng sẽ có 20 suất dự đấu trường cao nhất thế giới này. Bất chấp những khó khăn bởi dịch COVID-19, những tín hiệu đáng mừng vẫn đang tới. Thành công ở đấu trường lớn này sẽ bước đạp quan trọng cho hành trình dài phía trước của thể thao Việt Nam.

Trong khi đó, SEA Games 31 trên sân nhà cũng là mục tiêu lớn đang chờ đợi. Vận động viên Việt Nam sẽ tham dự hết tất cả các nội dung, trong đó gồm cả những nội dung mà chúng ta ít thi đấu trước đây. Sự đột phá này sẽ tạo nên một cú hích mang tính lịch sử, nhằm giúp Việt Nam tiệm cận được phong cách tổ chức của hai đại hội thể thao tầm cỡ thế giới và châu lục như Olympic và ASIAD. Việc tham dự đủ hết các nội dung là cơ hội để các vận động viên cọ xát cả về thể lực, kỹ chiến thuật và đặc biệt là tâm lý và kinh nghiệm thi đấu. Và mục tiêu của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 sẽ tiếp tục là nằm tốp 3 trong bảng tổng sắp huy chương.

 Nguyên An