Thêm một vụ vỡ nợ tiền tỷ tại Duy Xuyên: Xác xơ làng dệt Châu Hiệp
(Cadn.com.vn) - Không lâu sau vụ vỡ nợ lên đến 60 tỷ đồng do “cô chủ nhỏ” Trần Thị Quỳnh Nga (trú TT Nam Phước, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) gây ra, nay một vụ vỡ nợ tiền tỷ khác cũng vừa xảy ra tại TT Nam Phước. Lần này là do vợ chồng “ông chủ lớn” Nguyễn Văn Tuấn-Nguyễn Thị Hồng Minh gây ra. Có mặt tại TT Nam Phước trong những ngày này, chúng tôi đã cảm nhận những khó khăn mà người dân nơi đây đang gánh chịu, nhất là dân làng dệt Châu Hiệp...
Ngày 24-10, làm việc cùng Thượng tá Lê Trung Hai- Phó trưởng CAH Duy Xuyên, chúng tôi được biết: Hiện đã có 12 người bị hại làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan CA với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng. Song trên thực tế, số người bị hại cũng như số tiền bị vợ chồng Tuấn-Minh chiếm đoạt lớn gấp nhiều lần con số đã trình báo...
Vậy vợ chồng Nguyễn Văn Tuấn-Nguyễn Thị Hồng Minh là ai, làm nghề gì và bằng thủ đoạn nào đã chiếm đoạt tiền của nhiều người như vậy? Theo tìm hiểu của chúng tôi: Trước đây vợ chồng Tuấn-Minh chuyên cung cấp sợi cho các cơ sở dệt tại địa phương nhưng do việc kinh doanh vải sợi gặp khó khăn, từ năm 2008, họ chuyển sang làm dịch vụ cầm đồ tại nhà do Minh phụ trách. Riêng Nguyễn Văn Tuấn, vốn cũng có “máu mặt” trong các mối quan hệ xã hội nên đã thâu tóm các bãi giữ xe tự phát phía sau Trường THPT Sào Nam và mở quán ăn. Với thu nhập từ dịch vụ cầm đồ, bán cơm, giữ xe đạp, vợ chồng Tuấn-Minh nhanh chóng phất lên như “diều gặp gió”.
Sau một thời gian hành nghề cầm đồ, từ năm 2010, Nguyễn Thị Hồng Minh mở thêm dịch vụ mới là cho vay nóng. Người vay cần bao nhiêu, Minh đều đáp ứng song phải chịu mức lãi suất từ 10 đến 15%/tháng. Để có vốn “làm ăn”, vợ chồng Tuấn-Minh tổ chức huy động của nhiều người dân. Đồng thời với dịch vụ tín dụng đen, vợ chồng Minh-Tuấn còn nhận làm các dịch vụ đáo hạn ngân hàng cho một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn có “vấn đề” khi vay vốn kinh doanh.
Căn nhà của vợ chồng họ bị một số người đập phá. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi nghề dệt vải tại Châu Hiệp lâm vào cảnh khó khăn, nhiều gia đình đã bán khung cửi, nguyên liệu chuyển đổi nghề nghiệp nên còn một ít vốn dôi dư. Biết rõ điều đó, vợ chồng Tuấn-Minh tổ chức huy động nguồn vốn nhàn rỗi trên bằng thủ đoạn chỉ giao dịch với một người nào đó. Và, người được vợ chồng này “chọn mặt” sẽ tự đứng ra huy động vốn của người thân, bạn bè... giao lại cho Tuấn-Minh để lấy chênh lệch. Trong những ngày đầu huy động vốn, Tuấn-Minh trả lãi lẫn gốc đầy đủ để tạo niềm tin. Sau đó, Tuấn-Minh tiếp tục huy động với số lượng lớn hơn và tin tưởng với cách làm ăn uy tín đó, nhiều người không ngần ngại đứng ra cầm cố tài sản cho ngân hàng hoặc huy động vốn của người thân, bạn bè cho Tuấn-Minh vay lấy lãi.
Một thủ đoạn khác của vợ chồng Tuấn-Minh là dù huy động từ nhiều người khác nhau với số tiền gần 15 tỷ đồng song không ai trong số những chủ nợ biết về nhau. Cụ thể, họ đã vay của chị Nguyễn Thị Huyền (bán sữa đậu nành, trú Châu Hiệp, TT Nam Phước) 1.550.000.000 đồng, chị Nguyễn Thị Thanh Vân (trú Mỹ Hòa, TT Nam Phước) 510 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hòa (bán thịt heo) 310 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Châu (trú Châu Hiệp) 150 triệu đồng, chị Lương Thị Xiêm 120 triệu đồng, bà Nguyễn Thị An (bán cơm bình dân tại Bệnh viện Duy Xuyên) 300 triệu đồng, Huỳnh Thị Hoa 110 triệu đồng, Nguyễn Thị Bình 90 triệu đồng, Nguyễn Thị Thanh 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Cưỡng 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Tám (chuyên mua bán vải vụn làm chăn bông) 150 triệu đồng, anh Trần Tấn Đạt (trú Châu Hiệp) 1 tỷ đồng...
Các chủ nợ kéo đến nhà Tuấn- Minh đòi nợ, đập phá làm mất ANTT. |
Sau khi huy động được khoảng 15 tỷ đồng, đầu tháng 9-2013 vợ chồng Tuấn-Minh tính đến chuyện... xù nợ. Để màn kịch vỡ nợ được hoàn hảo, trong những ngày đầu tháng 9-2013, dựa vào căn bệnh phù nề hai chân, Nguyễn Thị Hồng Minh vào điều trị tại Bệnh viện Duy Xuyên. Sau một thời gian, Minh chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng rồi lại đến... Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và Bệnh viện T.Ư Huế để điều trị. Trong thời gian chữa bệnh, Minh tắt điện thoại, ngừng liên lạc với các chủ nợ rồi sau đó hứa hẹn sẽ trả tiền cho một số chủ nợ sau khi ra viện. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó vợ chồng Tuấn-Minh âm thầm lập thủ tục chuyển quyền sử dụng căn nhà cho người thân và tẩu tán một số tài sản có giá trị khác...
Sau khi thực hiện xong hành vi tẩu tán tài sản, giữa tháng 10-2013, Nguyễn Thị Hồng Minh tự dựng lên chuyện bị một số người khác gạt nợ để tuyên bố... mất khả năng chi trả. “Của đi, con xót”, liên tục nhiều ngày qua, nhiều chủ nợ kéo đến nhà Tuấn-Minh chửi bới, đập phá gây áp lực đòi nợ, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại khối phố Châu Hiệp. Theo Thượng tá Lê Trung Hai, trước tình hình như vậy, CQĐT đã thu thập các chứng cứ, lập thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Với những gì ghi nhận được, chúng tôi nhận thấy vụ vỡ nợ do vợ chồng Tuấn-Minh gây ra đã để lại hậu quả xấu cho người dân làng dệt Châu Hiệp nói riêng và nhân dân Duy Xuyên nói chung. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý đối với đối tượng vi phạm và thu hồi một phần tài sản nhằm giúp người dân sớm ổn định, xây dựng lại cuộc sống.
Bài, ảnh: M.T