Báo Công An Đà Nẵng

Thêm “tai mắt” bảo vệ trẻ em

Thứ năm, 07/12/2017 06:59

Với việc tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 chính thức được kết nối trên cả nước vào ngày 6-12, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan đã có thêm "tai mắt" để tiếp nhận, xử lý các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.

Việc vận hành đồng bộ, rộng khắp số điện thoại có đầu số ngắn gọn, dễ nhớ tương tự 113 (liên quan đến tin báo ANTT), 114 (Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn), 115 (cấp cứu y tế ngoại viện) chắc chắn sẽ có hiệu ứng tương tác mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn so với tổng đài 18001567 tư vấn và hỗ trợ trẻ em được thành lập từ năm 2004.

Nó càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh thời gian qua có rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em được phanh phui trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đây là tổng đài dịch vụ công đặc biệt thực hiện tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và các em qua điện thoại. Việc kết nối phạm vi toàn quốc là sự kiện quan trọng góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, đồng thời thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho bản thân các em cũng như cha, mẹ và các thành viên khác gia đình. Tổng đài 111 không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến, sẽ hoạt động 24/24h tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em.

Sự ra đời của tổng đài với các ưu thế hàng đầu trong tất cả các số điện thoại đường dây nóng rõ ràng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ ngành đối với trẻ em. Nhưng đó mới là tiền đề, còn cơ chế vận hành và “phản ứng đầu cuối”, tức là tiếp nhận và xử lý sẽ như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Về mục tiêu, đây là đường dây khẩn cấp có trách nhiệm liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền, chức năng. Đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, tổng đài có trách nhiệm hỗ trợ người làm công tác chuyên môn cấp cơ sở trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Khác với cấp cứu, chữa cháy, cứu nạn thường có hiện trường cố định, các vụ việc xâm hại, bạo hành, lạm dụng trẻ em sẽ có những thay đổi về hiện trường, hành vi, hậu quả, không dễ để bắt tận tay, day tận trán nếu phía báo tin không cẩn trọng, phía tiếp nhận không nhanh nhạy và phía xử lý không quyết liệt. Tổng đài 111 muốn giảm thiểu vấn đề bạo lực, lạm dụng, bạo hành trẻ em thì tất yếu phải “thêm việc” cho cơ quan công an, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể. Điều cần thiết là phải có một cơ chế vận hành đồng bộ, chặt chẽ, đầy trách nhiệm của các thành viên để tạo ra “lá chắn” đủ lớn để thực hiện vòng tròn khép kín từ báo tin đến xử lý, tạo hiệu quả thực tế và đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi, mong muốn các tầng lớp nhân dân sử dụng số điện thoại 111 như việc góp phần thêm tai mắt, tạo lá chắn để mọi trẻ em Việt Nam sẽ được sống trong môi trường ngày càng an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện. Còn người dân, với tình yêu con trẻ, sự căm phẫn đối với các hành vi mất nhân tính, chắc chắn sẽ mong nếu phát hiện thì cuộc gọi của họ sẽ có những kết quả cụ thể. Chứ đừng để trên quyết liệt, dưới dửng dưng hay trên giơ cao, dưới đánh khẽ!

CÔNG KHANH