Báo Công An Đà Nẵng

Theo bóng chim ăn đêm

Thứ sáu, 24/10/2014 11:21

(Cadn.com.vn) - Mùa mưa trở lại. Nước xăm xắp trên những cánh đồng. Các loài chim ăn đêm bắt đầu xuất hiện, cũng là lúc cánh thợ săn ở vùng nông thôn Hòa Tiến (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) vào nghề. Một trong những thợ săn, anh Nguyễn Xán cho biết, săn chim vào thời điểm đồng lúa vừa thu hoạch xong, chưa cày đất là thú nhất và được nhiều nhất. Các anh chọn những đám ruộng sũng nước liền kề để "bài binh, bố trận". 3 tay lưới đan bằng cước nhuộm màu tối, dài 100m, cao 1,5m được giăng lệch theo các chân ruộng. Để bẫy hiệu quả nhất cần phải bố trí lưới vuông góc với chiều gió, cũng như đón đúng hướng bay của chim…

Giăng lưới xong, các anh lên bờ ruộng hút thuốc ngồi đợi. Trời sẩm tối,  tiếng vỗ cánh của bầy chim di chuyển từ các gò đất đồi xuống ruộng dù rất nhẹ nhưng các anh vẫn nhận ra. Anh Xán nói khẽ, đây là các loài chim lông màu rằn ri, mỏ dài và nhọn. Chim kiếm ăn lúc chạng vạng, hoặc đầu đêm trên những thửa ruộng vừa gặt xong. Chúng thường bay là là, hoặc chạy nhanh trên mặt đất, không lao thẳng lên trời.

Sau khi đã chắc mẩm bầy chim lọt vào thế bẫy, các anh dàn hàng ngang xộc xuống ruộng, xua bầy chim về hướng lưới giăng… Qua ánh đèn ắc-quy, chúng tôi đếm có 3 con mỏ nhác mập tròn đang ra sức vẫy vùng khỏi bẫy lưới đầu tiên nhưng đành bất lực. Khi nghe hỏi "Chim bắt về tiêu thụ ở đâu?". Anh Xán trả lời: "Thiếu gì chỗ tiêu thụ, số chim đêm nay bẫy được chỉ cần nhấc điện thoại "a-lô", sáng mai sẽ có ngay bạn hàng từ Đà Nẵng lên thu gom".

Giăng lưới trên các chân ruộng sũng nước.

Theo anh Xán, cứ độ tháng 9, tháng 10 âm lịch là mùa bẫy chính, người đi săn chim đông như hội. Đồng ruộng mênh mông như thế, nhưng lội đến đâu cũng đụng người. Thời buổi người khôn của khó, người bẫy chim ngày càng nhiều, nên chim ngày càng hiếm. Ngày trước còn chọn lựa, bây giờ loại chim nào cũng bẫy tuốt. Anh Xán tâm sự, nghề này vất vả lắm, nhưng vẫn cứ đi. Xong một ngày leo giàn giáo làm thợ nề, đêm đến là xuống ruộng bẫy chim. Mỗi con chim tùy loại lớn nhỏ, các anh bán cho bạn hàng từ 13 đến 15.000 đồng. Có đêm trúng đậm nhưng cũng có lúc về tay không.

Do kinh nghiệm săn lâu năm mà có, mỗi thợ săn đều tự mày mò cho mình một "chiêu" riêng, là tìm hiểu đôi chút về đời sống, thói quen, thức ăn... của một số loài chim để áp dụng cho phù hợp. Khó săn nhất với người mới vào nghề nhưng lại đơn giản với các anh. Bởi, các loài chim mỏ nhác, chàng nghịch… có cùng một "chiêu" bẫy là ném đất hoặc "suỵt" miệng xua đuổi như đuổi gà. Nghe tiếng động, chúng hốt hoảng bay tán loạn nên dễ vướng vào lưới…

Chim mỏ nhác dính lưới.

Người dân địa phương không lạ gì với những tay săn chim như các anh. Biết vất vả, nhưng vẫn cứ đi. Cứ đêm nào ngớt mưa, các anh lại vác cọc, mang lưới ra đồng. Trước đây, vùng này rất nhiều chim, nhưng giờ hiếm thấy nên các anh phải thường xuyên qua các cánh đồng lân cận Điện Hòa, Điện Tiến (H. Điện Bàn), Đại Hiệp (H. Đại Lộc, Quảng Nam) giăng bẫy…

Những chú chim này sẽ bán cho các quán nhậu.

Chứng kiến các thợ săn hành nghề, ông Ba Thạnh (trú La Thọ, xã Điện Hòa) cho biết, người ta có thể bẫy quanh năm, mùa nào cũng được. Vì thế, tiếng chim cứ thưa dần, lượng chim trời ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái. Mùa màng bị xâm hại, năng suất thấp do sâu bệnh hoành hành.

Người nông dân chúng tôi buộc phải sử dụng hóa chất độc hại để diệt trừ sâu dẫn đến sự ô nhiễm nguồn nước và phải hứng chịu hậu quả do ô nhiễm môi trường… "Với quan niệm "chim trời, cá nước" ai cũng có thể đánh bắt tùy theo ý thích, có người bắt chim để phục vụ nhu cầu giải trí hoặc làm mồi nhậu, cũng có người xem đó là công việc mưu sinh. Cho dù với mục đích gì, chính việc làm thiếu ý thức săn bẫy chim một cách tràn lan như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ làm tuyệt chủng nhiều loài chim và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người", lão nông Ba Thạnh trăn trở.

An Dương