Báo Công An Đà Nẵng

Theo chân những “rái cá” thượng nguồn sông Tranh

Thứ sáu, 30/06/2023 10:09
Cặp đôi Chính - Vũ đang lặn tìm dấu vết ba ba ở dưới đáy sông.

Mưu sinh khi màn đêm xuống

Qua mấy lần hẹn, chúng tôi mới có dịp theo chân anh Nguyễn Đức Hải (42 tuổi, trú xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) trong một chuyến săn đêm. Sau bữa cơm tối, anh Hải cho đồ nghề vào ba lô rồi chạy xe máy theo dòng sông Tranh. Khi đến khu vực cầu Trà Tập bắc qua sông Tranh, anh Hải để xe bên đường, chỉ mang theo đèn pin, kính lặn và một chiếc vợt gắn vào tấm lưới rộng hơn 20cm.

Nhúng kính lặn xuống nước, anh Hải lấy gói dầu gội đầu ra lau chùi cho kính trong suốt. Đeo kính lặn, miệng ngậm đèn pin, tay cầm vợt, anh Hải lặn sâu xuống đáy sông, để lại một đốm sáng lóe trong nước. Thấy con cá niên to gần bằng cổ tay, anh Hải dùng vợt khéo léo để cá nằm lọt vào lưới, rồi ngoi lên mặt nước thở. “Bắt cá đòi hỏi thao tác phải nhẹ nhàng, nếu phát ra tiếng động lớn chúng chạy thoát rất nhanh. Mỗi lần lặn xuống tôi nín hơi dài nhất khoảng một phút, tuy nhiên gặp những vũng nước xoáy thì 30 giây phải ngoi lên”, anh Hải giải thích.

Thành quả sau “một hơi” của “rái cá” Nguyễn Đức Hải.

Cá niên thường sống theo đàn, tập trung nhiều ở những vùng nước sâu dọc suối đầu nguồn. Chúng sống nhiều nhất là những thác nước, ghềnh để ăn rêu bám trên đá. Ban ngày cá niên nhanh nhẹn, khôn khéo, rất khó bắt. Ban đêm cá di chuyển chậm nên mới bắt được. Thịt cá niên trắng, thơm, không tanh, nhiều chất dinh dưỡng nên được chế biến làm món đặc sản của địa phương. Trong đó, phổ biến nhất là kho, nấu rau răm, nướng hoặc chiên giòn. Đặc biệt nhất là ruột cá niên nấu với rau rừng, món này có vị đắng của bộ mật và ruột, được nhiều người ưa thích.

Lặn bắt cá trên sông Tranh thường xuyên, anh Hải thuộc nằm lòng những điểm cá trú ẩn. Bắt hết nơi này anh bơi xuôi dòng nước chuyển qua nơi khác. Sau hơn 2 tiếng bơi lội, anh Hải kết thúc công việc trở về nhà, thành quả là hơn 3 kg cá niên để ngày hôm sau bán cho thương lái. “Thường mỗi đêm tôi bắt được từ 2 đến 5kg. Giá bán trung bình khoảng 300.000 đồng/kg. Giá thành cao do loài cá này hiện chưa nhân giống và nuôi được. Ngoài cá niên, nhiều khi tôi còn bắt gặp cả cá chình. Nhưng loài cá này ngày càng hiếm”, anh Hải nói.

Khác cá niên, cá chình nhiều con to đến cả chục ký, thân hình dài nên rất khó bắt. Cá này có thói quen là đi đâu rồi cũng quẩn về hang. “Muốn bắt được nó, ban ngày phải đi dò tìm hang, đêm đến lặn xuống dùng súng cao su bắn tên có ngạnh vào mình cá. Cá chình to mạnh nên sau khi đã dính tên, chúng tìm cách chui lại vào hang sâu, do đó mình phải nhanh chóng vật lộn với nó để đưa lên khỏi mặt nước…”, anh Hải nói thêm về công việc của mình. Với giá thành từ 600 đến 700/kg, cá chình đắt tiền gấp đôi cá niên.

Anh Chính vui mừng khi bắt được con ba ba nặng gần 1kg.

Đặc sản mùa nước cạn

Khác anh Hải, có những thợ lặn chuyên “tác nghiệp” vào ban ngày. Giữa tháng 5, những con suối, những nhánh sông nhỏ ở thượng nguồn sông Tranh nước cạn, trong vắt. Đây là thời điểm một số thợ lặn mang theo dụng cụ đi bắt ba ba. Họ đến những con suối nước trong, có nhiều vũng nước sâu rồi lặn xuống tìm dấu vết ba ba để bắt.

Sáng sớm, anh Đặng Công Chính (39 tuổi, trú xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My) cùng anh Phạm Viết Vũ (37 tuổi) và Bhling Nam (35 tuổi) chạy xe máy từ nhà đến khu vực sông Nước Xa (một nhánh của sông Tranh), nơi giáp ranh giữa xã Trà Mai, huyện Nam Trà My và xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My để hành nghề. Dừng xe bên đường Đông Trường Sơn, nhóm anh Chính men theo dòng nước để tìm kiếm dấu vết của ba ba. Trên tay mọi người mang theo chiếc kính lặn, mũi tên làm bằng sắt để xăm tìm nơi ba ba trú ngụ. “Đáy sông có nhiều bùn cát là nơi ba ba sinh sống, loại này ban đêm đi ăn để lại dấu vết như bàn chân, hay lớp bùn đất mới. Ban ngày chúng vùi trong cát, khi lặn xuống quan sát phát hiện dấu vết thì dùng mũi tên sắt đâm xuống trúng mai rồi bắt”, anh Chính chia sẻ.

Sau 5 phút lặn xuống hố nước sâu, anh Chính bắt được một con ba ba gần 1kg. Khác với nghề lặn bắt cá, để bắt được ba ba ngoài chuyên môn cơ bản, người thợ lặn còn phải biết nhìn nhận, phân biệt được dấu vết. “Mình đi trên bờ quan sát, khi đã thấy có dấu vết ba ba cư trú thì mình mới lặn xuống tìm và bắt. Nếu không thấy dấu vết chúng để lại thì nơi đó không có ba ba sinh sống”, anh Chính thông tin.

Bữa trưa của nhóm anh Chính.

Công việc được tiếp tục với những lần hụp lặn dọc theo con suối. Đến trưa, nhóm anh Chính bắt được thêm 5 con ba ba. Họ dừng lại bên suối nấu ăn và nghỉ ngơi tầm 2 tiếng. Buổi chiều, họ tiếp tục công việc. “Ba ba nhỏ chúng tôi thả lại, không bắt, chỉ bắt những con lớn, trên 5 lạng. Giá bán mỗi ký từ 300 đến 400.000 đồng. Nghề này có thu nhập, nhưng chỉ làm được vào mùa nắng. Mùa mưa, nước sông lớn, đục thì tìm việc khác làm”, anh Chính tâm sự.

Nghề lặn bắt cá, bắt ba ba cho những “rái cá” như anh Hải, anh Chính nguồn thu nhập khá, tuy nhiên luôn đối diện với nguy hiểm. Có lúc đang lặn thì bất ngờ gỗ trôi qua đâm trúng hay gặp những hố nước xoáy rất khó thoát ra. “Cách đây gần một năm, cũng trên dòng sông Tranh, một người lặn bắt cá gặp vùng nước xoáy, do không biết thoát ra ngoài nên đã tử vong”, anh Chính kể.

Sông Tranh đem lại nguồn thủy sản phong phú, nuôi sống người dân bao đời nay. Và để khai thác được những loài đặc sản như trên, đòi hỏi con người phải biết kỹ năng mưu sinh. Trong đó điển hình là những “rái cá” như anh Hải, anh Chính…

BÃO BÌNH