Báo Công An Đà Nẵng

Theo chân phường săn bò hoang

Thứ năm, 29/08/2013 10:28

(Cadn.com.vn) - Những đàn bò bị hoang hóa trong thời gian dài, được người dân ở xã Cam Thành, H. Cam Lộ (Quảng Trị) gọi là bò ri. Và, khi không có ai là chủ sở hữu, họ không bỏ qua nguồn lợi này, dù  phải đối mặt với bao hiểm nguy.

Theo dấu bò ri

Trong chuyến đi săn bò ri, tôi là người trẻ nhất. Phường săn Cam Thành người ít nhất đã trên 40 tuổi. Săn bò ri không phải dùng sức là bắt được, phải dùng trí lẫn lực. Đã có lần nhiều thanh niên trong làng không hỏi ý kiến của các cụ cao niên trong nghề mà tự ý vào rừng, thế là không những chẳng bắt được bò ri mà còn bị chúng quật ngã, thương tích đầy mình.

Phường săn của ông Trần Văn Lương (61 tuổi) trú thôn Quật Xá (Cam Thành) có từ 9 đến 13 người, Sau khi tụ tập và bàn bạc kỹ lưỡng, ông Bùi Văn Đa (71 tuổi) là “trinh sát”  cho biết, khu vực khe Đá Mài cách đó chừng 30 km về hướng bắc, giáp với địa phận tỉnh Quảng Bình đang có một đàn bò ri chừng 12 con. Chúng rất tinh khôn và nhanh nhẹn, đặc biệt con đực đầu đàn thoát bẫy nhiều lần nên rất “tinh”, khó bắt. Nên vậy chuyến đi này ít nhất phải chuẩn bị lương thực trong 3 ngày.

Sau khi sắm sửa đầy đủ, mười mấy con người hăm hở bước vào một cuộc đi săn, đầy hành lý và dây. Vừa đi ông Đa vừa kể về những đàn bò ri: Từ xa xưa cha ông của họ là những người sống ở miền cao Quảng Bình, vượt dãy Trường Sơn vào Quảng Trị sinh sống cách đây trên 500 năm. Thói quen chăn thả đại gia súc đã ăn vào máu thịt của những người dân nơi đây tựa dân du mục ở thảo nguyên vậy. Điều đặc biệt hơn là vùng đất mà họ sinh sống về phần phía bắc chỉ là rừng một mái có độ dốc rất lớn nên trâu bò không thể băng qua được. Vì thế đàn trâu bò từ bao đời nay vẫn được thả rông ở trên rừng, muốn đưa về nhà thì chỉ còn cách đi săn. Qua thời gian chúng bị hoang hóa, không còn thuần chủng nữa, sinh con đẻ cháu rồi trở thành bò ri.

Vết thương vẫn còn nhức nhối của ông Bùi Văn Đa.

Câu chuyện cứ thế trải dài hết một ngày đường. Tất cả đều mệt lử. Đêm đến phường săn chọn một chỗ đất cao ráo để dựng lán trại, vài người ra suối bắt ếch núi và chém cá về cho buổi nhậu khuya. Nhậu, nhưng ai nấy cũng nín lặng, bởi ai nấy đều không chắc bò ri sẽ xuất hiện và trường hợp xấu nhất là về tay không, tốn tiền cơm gạo...

May thay, sáng sớm khi chúng tôi thức dậy, một đàn bò ri chừng mười mấy con ẩn hiện ở vùng núi bên kia. Phường săn quyết định ép chúng về khe núi Đá Mài. Một số người được phân công nhiệm vụ dựng chuồng đơm, tựa như một cái hộp. Số người còn lại đi ép chúng về hướng chuồng đơm, trong đó có tôi. Ông Thuận dặn: “Nếu chúng quay trở lại tấn công thì biết làm thế nào rồi đấy, đừng có bỏ chạy mà tìm những góc khuất mà nấp hoặc leo lên cây”.

Nghề nguy hiểm

Theo kinh nghiệm, phường săn không ép nguyên đàn mà chọn một con yếu nhất để đón lõng. Thật tình cờ vì trong đàn hôm ấy có một con đực mới lớn vừa đánh nhau với con đầu đàn nên bị thương. Gần 4 giờ đồng hồ truy đuổi nó mới dần kiệt sức và dạt về phía chuồng đơm. Nhanh như cắt, con bò ri hung hăng đã sập bẫy. Hàng chục cái thòng lọng được quăng vào. Ông Thuận luôn miệng “bắt sống, bắt sống”. Bởi khó nhất không phải là bắt bò ri mà làm sao đưa chúng sống sót trở về. Cũng có nghĩa, bò ri sống giá trị hơn chết. Có nhiều trường hợp bò ri quá hung hăng nên phải dùng đá ném chết rồi mang xác về, xẻ thịt chia cho dân làng.

Ông Thuận bên con bò ri vừa bắt giữ được.

Với con bò ri bị thương này, ông Thuận và các bạn săn dễ dàng đưa về nhà. Phường săn ăn mừng chiến thắng khi đưa được con bò ri từ rừng về nhà trong sự thán phục của dân làng. Rít một hơi thuốc thật sâu ông Bùi Văn Đa nói: “Chuyến đi này thật sự là may mắn, bắt được bò ri mà không ai bị thương hay xây xát gì”. Giở vết thương chưa lành ở mạn sườn mình, ông Đa kể rằng 6 tháng trước ông ép một con bò ri đực to thì nó bất ngờ lao vào thúc ông rơi xuống vực. Vậy mà nó chưa chịu tha, nó nhảy từ trên cao xuống đạp thẳng chân vào mạn sườn ông làm gãy ba đốt, rồi dẫm lên mà không chịu thả, dùng sừng nhọn húc vào đầu và mặt ông. Những người ở trên phải dùng đất đá ném tới tấp nó mới chịu bỏ đi. Ông tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm ở bệnh viện.

Đã nhiều lần ông định bỏ cái nghề nguy hiểm này, nhưng cuối cùng nghề đâu nghiệp đấy. Trong tâm trí ông những chuyến đi là cả một bí ẩn, ông chờ đợi những con bò ri được thuần hóa và cày bừa của dân làng. Hơn nữa, không được vào rừng không theo dấu chân bò ri là ông cảm thấy bức bối trong người.

Có trường hợp phải bỏ mạng vì bị nước lũ cuốn, đó là trường hợp của ông Trần Văn Quyết. Đợt đó mưa gió rất nhiều, nước suối dâng cao đến tận ngực, chảy xiết. Chỉ một cái sẩy chân mà ông phải bỏ mạng. Vài ngày sau nước rút, người nhà và bạn săn mới tìm được xác cách đó chừng mười mấy cây số.

Câu chuyện không còn được hồ hởi như ban đầu, bởi những chuyện tai nạn đường rừng vẫn tiếp tục xảy ra. Nhiều người vợ đã lên chức bà quây quần bên mâm rượu nghe chúng tôi trò chuyện rồi thở dài, lắc đầu nhìn chồng, nhìn con cháu.

Đêm Cam Lộ huyền diệu. Từng mạn rừng phía bắc ẩn hiện mờ ảo. Nơi ấy có những đàn bò ri đang sinh sống và biết bao nguy hiểm rình rập những thợ săn già nua.

Bùi Đức Tú