Báo Công An Đà Nẵng

Theo dấu thú hoang

Thứ năm, 09/10/2014 08:46

Bài 1: Sát thủ rừng xanh

(Cadn.com.vn) - Nếu như trước đây, việc săn bắt thú rừng chỉ để ngăn chặn chúng phá rẫy hoặc để cải thiện bữa ăn  thì đến nay nó đã trở thành một cái “nghề” của đồng bào miền núi. Công việc mang lại thu nhập cao hơn rất nhiều so với làm rẫy, nhu cầu lại dồi dào... đã khiến nhiều người đổ xô đi săn lùng động vật quý hiếm.

Hỏi thăm mãi tôi mới biết được ở H. Nam Giang (Quảng Nam), thôn Zara (xã Tabhinh) là nơi tập trung đông người làm nghề săn bắn lâu đời nhất. Dong xe vào làng, thấy người lạ những ánh nhìn ngơ ngác dõi theo. Sau một hồi vất vả lội qua vạt cỏ cao ngang đầu gối, tôi mới vào được nhà anh Blúp K, một tay săn có hạng trong vùng, nổi tiếng về tài “thiện xạ” và tài phán đoán vị trí có thú rừng. So với những thợ săn khác thì K chưa phải là “nổi tiếng” nhất nhưng cũng khiến nhiều người nể phục vì sự “liều mạng”, dám đi vào những nơi hẻo lánh nhất. Từ những năm mới 13,14 tuổi K đã theo cha vào rừng săn con hươu, con nai, đã biết tự chế tạo bẫy.

Trải qua nhiều năm săn bắn, K tự hào rằng cánh rừng nào ở Nam Giang cũng biết cũng đặt chân tới. Chỉ cần nhìn quang cảnh, cây cối và nghe tiếng động đậy K cũng có thể đoán ra nơi đây có thú hay không. K và vợ cất một ngôi nhà nhỏ gần chân núi, vợ ở nhà làm rẫy còn chồng đi săn thú bán cho các quán nhậu ở thị trấn Thành Mỹ. Khi tôi đến nơi, K vừa mới về đến nhà sau một “phi vụ” khấm khá. Nghe hỏi về nghề săn bắn, K và vợ cười ồ: “Có cái chi đâu mà hỏi, con thú chạy rông đó ai bắt mà không được. Mà hỏi làm cái chi?”. Một hồi thuyết phục, K mới chịu “bật mí” bí mật trong nghề.

K kể về những chuyến đi săn của mình.

Nhóm của anh K gồm 4 người thường cùng đi chung mỗi lần vào rừng vừa để bảo vệ nhau, vừa để khiêng những con thú lớn. “Hồi trước ít người đi làm, rừng còn rậm nên đi chừng vài ki-lô-mét đã gặp thú rồi, nhưng dạo gần đây người ta phát rừng làm rẫy hết, con thú nó sợ nó tránh xa vì vậy đi miết cả ngày trời mới vô tới chỗ có thú. Bẫy thì đặt ở đó trước rồi nhưng có khi chẳng có chi hoặc lâu quá con thú tự thoát ra ngoài chạy mất. Có khi thấy vết máu đó mà không thấy nó đâu”, K tặc lưỡi.

Trung bình một chuyến đi rừng của K chừng 5 ngày, một tháng đi khoảng 2 lần. Mỗi chuyến đi như vậy hành trang của anh cũng chỉ là một chiếc rựa để phát cây, một cái cào để dọn bớt cỏ làm bẫy. Đồ ăn thì chỉ mang theo một ít khi nào hết thì hái măng rừng bắt cá suối mà ăn. Đã quen với cuộc sống nơi hoang dã nên dù đi rừng nhiều nhưng K chẳng bao giờ đau ốm. “Có khi đi cả tuần chỉ bắt được  có 1,2 con thì chia nhau người chỉ được vài trăm ngàn là cùng. Đó là chưa kể vô rừng còn dễ bị rắn cắn, gặp hổ beo nữa, nguy hiểm lắm. Thế nhưng không làm nghề ni thì biết làm cái chi?”, K phân trần.

Nhìn những vết sẹo chằng chịt trên tay và chân K không khó để hình dung những trận chiến cam go giữa anh với thú rừng, người vì tiền kẻ giành giật mạng sống. Thường thì những chiếc bẫy chỉ đủ làm con vật bị thương, nhưng khi phải đối mặt với cái chết sức mạnh tiềm tàng trong con thú trỗi dậy nên kẻ đi săn không tránh khỏi những vết cào, vết cắn. Loại bẫy thông dụng nhất dùng để bắt heo rừng và nai là bẫy thò được làm từ một loại cây mọc bên bờ suối.

Bẫy thò sẽ để gần những nơi có rau cỏ, chặn hai đầu để chắc chắn con thú đi vào giữa, khi mắc bẫy những cành cây vót nhọn sẽ đâm thẳng vào chân khiến con vật bị thương. Đối với các con vật nhỏ hơn như nhím, chồn thường dùng bẫy thòng lọng. Đối với bẫy hầm thì chỉ cần đào một cái hố sâu rồi phủ cành cây lên trên, khi thú rừng đi ngang qua, giẫm phải cành cây mục thì rớt xuống hố...

Vật dụng đi rừng của những thợ săn.

Thế nhưng, không chỉ có những nguy hiểm rình rập từ cánh rừng mà  những chiếc bẫy của đám thợ săn làm hại chính họ hoặc có khi muốn mở rộng địa bàn đi sang cánh rừng khác thì lại đạp trúng bẫy của nhóm khác. “Làm thợ săn thì việc đổ máu là bình thường, phải luyện cho cái chân dẻo, cái tay lanh lẹ và đôi mắt tinh tường thì mới đi được”, K chia sẻ.

Trước đây, những buổi đi săn tập thể là đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ Tu, nhưng những buổi đi săn ấy luôn có già làng đi theo. Khi đã săn đủ số thú cần thiết thì già làng sẽ ra hiệu lệnh đi về. Thế nhưng giờ đây khi thú rừng đã trở thành món hàng thì việc đi săn tập thể đã không còn hiệu quả nữa bởi lợi nhuận sẽ phải chia thành nhiều phần khác nhau. Rừng đã không còn là ngôi nhà chung của các loại thú khi con người vì những sở thích riêng mà ngày đêm lùng sục, săn lùng những con thú vốn chẳng có tội tình gì.

Tôi đánh bạo hỏi K: “Săn thú cực rứa làm sao mang ra khỏi rừng khi lực lượng kiểm lâm kiểm tra gắt gao? Con thú có khi còn to bằng cả con người mà?”. Tiếng cười ồ của K như trả lời cho sự ngờ nghệch của tôi. Im lặng hồi lâu K nói: “Thú nhỏ thì ngụy trang được nhưng thú lớn thì phải có mối riêng. Cái đó nhà báo không biết được đâu”.

Hà Dung
(còn nữa)