Báo Công An Đà Nẵng

Theo dấu vết dầu lậu

Thứ sáu, 02/08/2013 11:51

(Cadn.com.vn) - Sự cố tràn dầu trên biển ngày 7-7 do một chiếc thuyền vận chuyển dầu đen của ngư dân ở Hải Minh (P.Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định) gây ra hậu quả lớn, thiệt hại hàng tỷ đồng và mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới có thể khắc phục. Từ sự cố trên, cho thấy một thực tế việc thả nổi kinh doanh, vận chuyển dầu trên biển ở khu cảng Quy Nhơn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây họa.

Tự do mua bán dầu lậu

Theo nguồn tin của ngư dân, tại cảng biển Quy Nhơn có một bộ phận ngư dân ở Hải Minh chuyên mua bán dầu đen (dầu thải từ các tàu lớn ra vào cảng) về bán hoặc chế biến.  Chị N.T.Q, người góp vốn nuôi cá lồng chung với anh P.T.Đ ở  KV 9, P. Hải Cảng, nói: “Ngay cạnh bè nuôi cá chẽm của tôi, có tàu của bà P.Đ chuyên mua dầu thải ở cảng. Đúng ngày xảy ra sự cố tràn dầu, chiếc tàu chở dầu của bà P.Đ cũng biến mất tại vị trí neo đậu. Ở đây, người dân ai chẳng biết bà P.Đ cùng vài người khác chuyên mua bán dầu đen trên biển”.

Sau sự cố tràn dầu nói trên, cơ quan chức năng có cuộc làm việc với bà P.Đ- chủ chiếc tàu mất tích trùng hợp ngay đúng thời điểm xuất hiện sự cố tràn dầu. Bà P.Đ khai báo, 2 hôm trước đã bán con tàu trên cho một khách hàng ở Vũng Tàu. Thời điểm xảy ra sự cố tràn dầu, cơ quan CA và biên phòng đã vào cuộc tìm  manh mối, rà soát, nắm tình hình hoạt động của nhóm chủ tàu lâu nay lén lút hành nghề thu mua dầu nhớt thải ở khu vực Hải Minh. Lực lượng trinh sát CA tỉnh Bình Định khoanh vùng từ phao số 0 trở vào tìm kiếm thông tin từ các chủ tàu mua bán dầu đen lén lút ở Hải Minh.

  Ngư dân Hải Minh vớt dầu tràn sau sự cố tràn dầu ngày 7-7.

Từ nguồn tin của ngư dân, chúng tôi tìm về Hải Minh nắm bắt thông tin. Đại bộ phận ngư dân ở đây đều cho biết họ thi thoảng vẫn đổi “dầu trắng” (dầu sạch của các tàu lớn) của nhiều tàu lớn ra vào cảng. Anh N.V.T (45 tuổi, Hải Minh, P. Hải Cảng, Quy Nhơn), một chủ ghe chở khách ở bến đò Hàm Tử (cảng cá Quy Nhơn), thừa nhận: “Chúng tôi cũng thường xuyên mua “dầu trắng”  của một số tàu lớn ở ngoài biển vào cảng Thị Nại và cảng Quy Nhơn. Nói mua thì cũng không hẳn, chủ yếu là nhu cầu trao đổi. Tàu lớn họ thiếu lương thực, thực phẩm... họ đổi dầu cho chúng tôi lấy thứ họ cần. Mỗi lần đổi không nhiều, chỉ vài chục lít, 17.000 đồng/lít. Chúng tôi mang dầu đó vào bán lại cho ngư dân có nhu cầu với giá 20.000 đồng, rẻ hơn đại lý 2.000 đồng. Tuy nhiên, mua “dầu trắng” ở tàu lớn không được phép nên nếu rủi bị cơ quan chức năng phát hiện là bị phạt nặng, tịch thu ghe. Mua bán "dầu trắng" cũng vô chừng lắm, khi nào tàu lớn họ thừa dầu, có nhu cầu trao đổi cho ngư dân thì mình mới mua lại thôi”.

Anh T. nói thêm: “Ngoài nguồn “dầu trắng”, “dầu đen” cũng được ngư dân ở Hải Minh thu mua rất nhiều.  Dầu đen mua về sàng lọc, tái chế đều có chỗ dùng, nên ngư dân mua nhiều. Mỗi lần hút “dầu đen” đều đựng sẵn vào các phuy vận chuyển qua Hải Minh. Địa điểm thu mua từ vị trí phao số 0 vào đến cảng. Việc mua bán dầu đen bị cấm, các chủ mua dầu đen hoạt động lén lút, không thể biết họ mua lúc nào”.

   Những lồng cá chết trắng vì dầu loang.

Anh Nguyên, quản lý Đại lý xăng dầu Hiệp Hòa 1 tại bến đò Hàm Tử, bức xúc: “Chúng tôi đăng ký kinh doanh hợp pháp phải đảm bảo các yếu tố liên quan đến an toàn như thùng chứa dầu, dụng cụ hút, bơm, xử lý chất thải, dụng cụ phòng cháy chữa cháy... phải đảm bảo chất lượng. Quá trình buôn bán dầu  ở cảng, chúng tôi phải thông qua sự giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng. Tùy theo công suất của con tàu, các cơ quan chức năng quy định sức chứa dầu. Đơn cử thuyền BĐ 0153H với công suất 100CV được phép  chứa 20.000 lít dầu. Dầu được đại lý vận chuyển ra thuyền, thuyền của chúng tôi đang bán dầu của Petrolimex Bình Định. Mỗi lít dầu được bán với giá 22.000 đồng, tuy nhiên vì bộ phận người dân mua dầu lậu vào bán phá giá nên hoạt động kinh doanh của đại lý gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tư cho một chiếc thuyền chở dầu đảm bảo quy định rất tốn kém, trong khi người dân buôn dầu lậu họ không phải đầu tư trang thiết bị, không tính rủi ro... Mình làm ăn hợp pháp cạnh tranh với dầu lậu quả thật không cân sức”.

 Được biết, ở cảng cá Quy Nhơn có đến 7 đại lý buôn bán xăng dầu hợp pháp.

Cơ quan chức năng đã làm gì?

Hậu quả từ các sự cố tràn dầu là không nhỏ, theo thông tin từ vụ tràn dầu ngày 7-7, các hoạt động trên biển đều gặp trở ngại do dầu tràn. Ngư dân điêu đứng với cá chết, môi trường biển bị đe dọa, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng, công tác giải quyết hậu quả dầu tràn gặp không ít khó khăn. Những sự cố tràn dầu trong lịch sử ở biển Quy Nhơn đã cho thấy hậu quả nghiêm trọng, là bài học đắt giá đối với việc buông lỏng hoạt động mua bán, vận chuyển dầu trên biển.

   Thuyền buôn lậu dầu đều không đảm bảo yêu cầu (Trong ảnh: Thủ phạm gây dầu tràn trên biển Quy Nhơn ngày 7-7 là ví dụ cụ thể về phương tiện thô sơ vận chuyển dầu không an toàn. Ảnh: Ngọc Nhuận

Thực tế, những tàu thuyền vận chuyển dầu lậu không đảm bảo các yếu tố về an toàn khi vận chuyển dầu trên biển. Thủ phạm gây tràn dầu ở biển Quy Nhơn ngày 7-7 khi được trục vớt ở vùng biển Hải Giang là minh chứng. Chiếc thuyền chở dầu nhưng lại không có bồn chứa, các dụng cụ ngăn cho dầu thấm ra bên ngoài...  hoàn toàn vận chuyển dầu bằng các phuy, thùng không đảm bảo yêu cầu. Khi xảy ra  sự cố, dầu lan ra biển là tất yếu. Nguồn gốc dầu lậu đều xuất phát từ các tàu lớn ra vào cảng biển Quy Nhơn, chứng tỏ việc kiểm soát các tàu ra vào cảng còn lỏng lẻo. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng ở đâu khi tình trạng mua bán dầu lậu diễn ra ngay trước mắt? Đã đến lúc các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phối hợp với BQL cảng biển Quy Nhơn kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mua bán dầu lậu như hiện nay.

Thu Dịu