Thi công bờ kè sông Hoài để bảo vệ Hội An tốt hơn
(Cadn.com.vn) - Việc thi công bờ kè sông Hoài thời gian qua khiến không ít kiến trúc của phố cổ Hội An bị sụt lún và nứt. Tuy nhiên chính quyền thành phố Hội An khẳng định đó là giải pháp tốt và lâu dài để bảo vệ phố cổ.
Không mấy khó khăn khi nhìn thấy những tác động của việc thi công kè sông Hoài ảnh hưởng đến kiến trúc nhà cổ dọc tuyến đường Bạch Đằng. Theo thống kê thì có khoảng 50 ngôi nhà cổ bị ảnh hưởng, nhiều ngôi nhà xuất hiện những vết nứt trên tường và nền nhà. Chỉ cho chúng tôi xem vết nứt dài trên tường, một nhân viên cơ sở mỹ nghệ Hòa Nhập (trên đường Bạch Đằng) cho biết: "Không riêng gì cơ sở chúng tôi, nhiều ngôi nhà khác cũng bị nứt tường hoặc nền nhà. Tôi biết việc thi công này sẽ giúp bảo vệ phố cổ, tuy nhiên việc xuất hiện lún nứt khiến mọi người lo lắng". Ảnh hưởng lớn nhất của thi công kè sông Hoài là ở tuyến đường Bạch Đằng, nhiều đoạn xuất hiện vết nứt lớn và dài, khiến mặt đường bị kéo nghiêng hẳn về phía sông.
Vết nứt lớn và dài xuất hiện khi thi công kè sông Hoài. |
Dự án kè sông Hoài do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Tuyến kè này có chiều dài 780m, từ chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam, tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương từ chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu. Giai đoạn 1 triển khai từ cầu An Hội đến cầu Cẩm Nam, giai đoạn 2 thi công từ cầu An Hội đến cầu gỗ trước chùa Cầu. Đơn vị thi công cho biết, khi bờ kè được thi công xong thì vỉa hè sẽ được nới rộng 1-2m, được lát đá, trồng cây xanh cùng hệ thống đèn chiếu sáng phù hợp khu phố cổ. Dù lo lắng trước việc lún, nứt tuy nhiên người dân phố cổ vẫn ủng hộ việc thi công kè sông Hoài. Anh Nguyễn Trường Thái Kha, chủ ngôi nhà cổ trên đường Bạch Đằng nói: "Tôi rất mừng khi dự án này được thực hiện. Sống ở đây hơn 40 năm, tôi biết đất và nền đường Bạch Đằng rất yếu, trước đây đã từng xảy ra trường hợp sụt lún trên tuyến đường này, nếu không được kè thì lâu dài sông Hoài sẽ tiếp tục lấn vào tuyến đường. Điều tôi quan tâm là làm thế nào đừng phá vỡ cảnh quan đôi bờ sông Hoài khi dự án này thi công xong".
Lường được tác động của việc thi công bờ kè đến kiến trúc những ngôi nhà cổ trên tuyến đường Bạch Đằng nên trước khi thi công, các ngành chức năng đã khảo sát tất cả các ngôi nhà, thực hiện bảo hiểm nguyên trạng và triển khai chống đỡ, gia cố. Phương pháp thi công được nhà thầu áp dụng là dùng búa rung, kết hợp ép cọc bê-tông bằng thủy lực. Thi công xong đoạn kè nào sẽ xử lý cuốn chiếu đoạn đó. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Hùng-Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, việc nứt, lún khi thi công bờ kè sông Hoài đã được tính đến trước khi dự án này được thực hiện. "Lường trước được những tác động đến kiến trúc phố cổ trên tuyến đường Bạch Đằng nên chúng tôi đã chọn giải pháp thi công ít tác động nhất, tuy nhiên việc xảy ra lún nứt là khó tránh khỏi. UBND thành phố Hội An đã mua bảo hiểm cho những ngôi nhà cổ bị ảnh hưởng, thành lập tổ giám sát theo dõi việc thi công. Mục đích của dự án này là bảo vệ phố cổ, bảo vệ sự ổn định lâu dài của Hội An và khi dự án hoàn thành chắc chắn phố cổ Hội An sẽ được bảo vệ tốt hơn, phục vụ du lịch tốt hơn", ông Hùng nói.
Công nhân đang thi công kè sông Hoài. |
Dẫu biết, thi công bờ kè sông Hoài sẽ giúp bảo vệ đô thị cổ Hội An tốt hơn trước những biến đổi phức tạp của biến đổi khí hậu tuy nhiên điều đó sẽ mất đi ý nghĩa nếu những ngôi nhà cổ bị tổn thương trước khi được bảo vệ. Vì vậy, UBND thành phố Hội An cần giám sát chặt chẽ việc thi công để không xảy ra sự cố đáng tiếc cho những ngôi nhà cổ.
Hoàng Anh