Báo Công An Đà Nẵng

Thi sĩ “chân quê”

Thứ năm, 22/05/2014 10:56

(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn An (69 tuổi, tổ trưởng tổ 4A, P. Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) được nhiều người dân địa phương biết đến không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, mà còn là một “thi sĩ chân quê” với 100 bài thơ. Nhiều bài thơ với chất giọng khỏe khoắn, giản dị, lạc quan của ông đã động viên nông dân yêu quê hương, hăng hái tham gia sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng. Đối với ông, làm thơ là hơi thở, là lẽ sống. Thơ của ông được nuôi sống bằng chính hạt gạo, củ khoai do ông nhọc nhằn canh tác và sự nghiệp “nông tang” của ông lại được động viên bởi những vần thơ dân dã đáng yêu do mình sáng tác... Đời sống tinh thần của người nông dân cũng cần có thêm những thi sĩ “chân quê”, nhằm sáng tác những bài thơ ca ngợi quê hương, đất nước, con người, nhằm góp phần động viên người cao tuổi, nông dân lạc quan, yêu nghề nông, yêu ruộng vườn...

Ông An chăm sóc đậu Tây.

Ông An kể: Lúc ông là học sinh lớp 11C (Trường Trung học Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng), một buổi chiều trên đường đi học về  nhà vào đầu tháng 8-1967, ông đi ngang qua thôn Yến Bắc (xã Hòa Thọ, nay thuộc P. Hòa Thọ Tây) thấy trên vạt cỏ sát lề đường có 5 ngôi mộ mới chôn và một em bé quê dáng gầy gò đang ngồi ôm một ngôi mộ khóc nức nở. Ông An thấy xúc động dừng xe đạp và hỏi thăm nguồn cơn. Em bé kể rằng, cách đây mấy ngày mẹ em cùng một số dân làng bị bọn cảnh sát và nghĩa quân ở địa phương truy lùng du kích, bắn chết.

Ngay đêm đó, cậu học sinh Nguyễn An trằn trọc không ngủ được vì căm thù giặc gây bao cảnh lầm than, tang tóc cho dân làng. Xúc động, ông sáng tác bài thơ  “Em bé khóc bên mồ” để ghi lại cảnh trên. Bài thơ “Em bé khóc bên mồ” được đăng trên báo Độc Lập (xuất bản tại Sài Gòn giữa tháng 8-1967, với bút danh Tú An). Ông An tâm sự: “Hôm đó, vào lúc 8 giờ sáng (sau khi báo Độc Lập đăng bài thơ), tôi cùng bạn bè đang ngồi trong lớp học, bọn quân cảnh Sài Gòn hùng hổ kéo vào lớp học, chúng kêu tên Nguyễn An và còng tay tôi giải về ty Gia Long với tội danh làm thơ chống chế độ.

Tại đây, một tên cảnh sát bặm trợn quát: “Ngô Đình Diệm là tổng thống, cớ sao mi bảo là bọn giặc Diệm? và kèm theo câu quát là một cái bạt tai như trời giáng. Tên cảnh sát đứng bên cạnh tôi cũng gằn giọng hét lên: “Cha em bé là Cộng sản, dân thương chi hắn mà thương, tại sao mi bảo dân thương” và xáng tiếp bên trái tôi một bạt tai nẩy lửa. Sau đó, nhờ áp lực của HSSV xuống đường biểu tình yêu cầu nhà đương cuộc không được đàn áp, bắt bớ, giam cầm HSSV, trong nhiều yêu sách đó có yêu cầu nhà đương cuộc thả gấp tôi ra. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của HSSV, bọn chúng đành nhượng bộ thả tôi ra...

Ở địa phương, tuy đời sống kinh tế chưa khấm khá, nhưng thi thoảng ông vẫn giúp đỡ các nông dân nghèo về vốn, không lấy lãi. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia đóng góp các phong trào địa phương, Hội Nông dân, Hội Người Cao tuổi, tình làng nghĩa xóm, hòa giải hết mình, nên anh em bạn bè gần xa, hàng xóm láng giềng cảm phục và mến mộ.

Tiên Sa