Thị trường bất động sản nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ 1: Điểm đến lý tưởng)
Nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) ví von rằng, thời điểm hiện tại, khu vực Nam Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam đang như “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Khu đô thị FPT, điểm nhấn phía nam Đà Nẵng. |
Thực tế cho thấy, sự ví von đầy hình ảnh ấy không phải không có cơ sở, khi mà nguồn cung BĐS tại Đà Nẵng đang có dấu hiệu “cạn kiệt”, nếu có thì cũng ở phân khúc cao cấp hoặc vượt quá túi tiền, khả năng chi trả của khách hàng. Thêm nữa, để đón đầu sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC sắp diễn ra, hàng loạt các dự án BĐS phân khúc “bình dân” tại đây đã được tung ra khiến cho thị trường BĐS Nam Đà Nẵng vốn đã nóng lại càng nóng hơn...
Không phải ngẫu nhiên mà khu vực Nam Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam, cụ thể hơn là thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), nơi giáp ranh với Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đang là “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều đơn vị kinh doanh BĐS. Bởi, ngoài việc chú trọng mời gọi đầu tư, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thông thoáng của chính quyền địa phương thì cái chính là địa phương này vốn đã sở hữu một vị trí đắc địa, lý tưởng, chỉ chờ thời cơ đến là bật dậy mạnh mẽ.
Một góc trung tâm thị xã Điện Bàn hiện tại. |
Thị xã Điện Bàn có lợi thế nằm giữa hai đô thị hiện hữu đang định hình bản sắc độc đáo riêng, đó là “đô thị cổ” Hội An với mục tiêu xây dựng “thành phố văn hóa” và “đô thị trẻ” Đà Nẵng với mục tiêu xây dựng “thành phố đáng sống”. Chính vị trí địa lý, nền tảng kinh tế cùng với sự đồng nhất về văn hóa và con người của vùng đất này sẽ tất yếu tạo cơ hội không chỉ cho Điện Bàn mà còn cả Đà Nẵng và Hội An có điều kiện để hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển, phân bố lại nguồn lực hợp lý trên cơ sở liên kết đầu tư hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp, qua đó sẽ hình thành một trung tâm tăng trưởng mạnh mẽ, xứng tầm đóng vai trò động lực phát triển của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu chung cho một khu vực đô thị năng động, sinh thái, văn hóa mang tầm cỡ Đông Nam Á.
“Quá trình đô thị hóa tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã đặt TP Đà Nẵng vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Thực tế trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã phát huy vị thế của mình đã bứt lên và đạt được nhiều thành tích trong xây dựng và mở rộng thành phố theo dự kiến quy mô dân số thành phố trong các giai đoạn phát triển từ 1,2 lên đến 1,5 triệu người. Trong khi đó Đà Nẵng không còn quỹ đất để phát triển. Hướng duy nhất để phát triển là hướng Nam (vùng Bắc tỉnh Quảng Nam). Đà Nẵng cần quỹ đất để phát triển các khu đào tạo lớn, các viện nghiên cứu, các khu công nghiệp kết hợp thể thao, triển lãm hội chợ có quy mô cấp quốc gia, đất để xây dựng các khu đô thị mới, các khu công nghệ cao và các viện nghiên cứu quan trọng... Mặt khác, cần diện tích lớn để xây dựng các cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đô thị như các trạm xử lý kỹ thuật, các nhà ga, bến đỗ, các trạm giao thông phục vụ quá trình đô thị hóa”,... TS.KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhìn nhận. Đồng thời khẳng định, xét cơ hội cho đô thị Điện Bàn trong quá trình hội nhập kết nối với vùng mà thực tiễn là TP Đà Nẵng và Hội An – Đô thị Điện Bàn là nơi duy nhất để đón nhận sự phát triển của vùng và Đà Nẵng - Hội An trong tương lai.
Trong Chiến lược phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, H. Điện Bàn trước đây, và nay là thị xã Điện Bàn được xác định có vai trò truyền tải và kết nối các hoạt động kinh tế - văn hóa và xã hội giữa TP Đà Nẵng, TP Hội An, giữa khu vực ven biển với các huyện phía tây của tỉnh Quảng Nam, với chiến lược phát triển trọng tâm là kinh tế biển; hình thành trung tâm du lịch biển mang tầm vóc quốc gia, quốc tế với khả năng hình thành hành lang thương mại quốc tế.
Sơ đồ quy hoạch chung đô thị Điện Bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. |
Trong Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) của Thủ tướng Chính phủ, cụm đô thị Đà Nẵng - Chân Mây - Hội An - Điện Nam Điện Ngọc được xác định là cụm đô thị động lực chính của vùng, là điểm cuối ra biển của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây trên tuyến QL9 qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và tuyến QL4D qua cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam). TP Đà Nẵng là đô thị hạt nhân, trung tâm vùng KTTĐMT; gắn kết với đô thị Chân Mây về phía bắc và đô thị Điện Nam Điện Ngọc về phía nam tạo thành chuỗi đô thị dịch vụ, công nghiệp động lực theo QL1A và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Gắn kết với đô thị cổ Hội An dọc ven biển tạo thành chuỗi du lịch quốc gia, quốc tế Bạch Mã - Lăng Cô - Non Nước - Hội An. Đô thị Chân Mây phát triển hỗ trợ và chia sẻ với Đà Nẵng các chức năng về cảng, dịch vụ cảng, du lịch, công nghiệp công nghệ cao. Đô thị Điện Nam Điện Ngọc phát triển hỗ trợ và chia sẻ với Đà Nẵng các chức năng về công nghiệp tập trung, đào tạo nghề, nhà ở và các dịch vụ hỗ trợ khác. Đô thị Hội An hỗ trợ Đà Nẵng các dịch vụ về du lịch và dịch vụ du lịch.
Để tạo điều kiện phát triển, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nhằm xây dựng thị xã Điện Bàn nói riêng và khu vực phía bắc tỉnh Quảng Nam nói chung trở thành trung tâm phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch và công nghiệp của tỉnh, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam đã tập trung trí tuệ, nguồn lực để xây dựng phát triển Điện Bàn tương xứng với vị thế, tiềm năng vốn có của vùng đất này... Điện Bàn đã trở thành địa phương phát triển nhất hiện nay của tỉnh Quảng Nam, với khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, với thị trấn Vĩnh Điện sầm uất. Kinh tế - xã hội Điện Bàn đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc. Vì vậy, việc xây dựng Điện Bàn trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn với các chức năng cơ bản là một trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ của Bắc Quảng Nam; trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo của khu vực là tất yếu khách quan nhằm tranh thủ thời cơ và khai thác lợi thế vốn có của địa phương.
(còn nữa)
D.H
Kỳ tới: Địa chỉ đáng để đầu tư