Báo Công An Đà Nẵng

Thị trường Đà Nẵng vẫn ổn định

Thứ tư, 01/04/2020 12:00

Gần giờ nghỉ trưa ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, có nội dung thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4. Với tâm lý mua hàng tích trữ phòng dịch bệnh kéo dài, ngay sau giờ nghỉ trưa đến chiều tối 31-3, tại TP Đà Nẵng, có nhiều người dân đổ xô đến các siêu thị, chợ, đại lý, cửa hàng tạp hóa, v.v… để mua sắm, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày khiến cho nhu cầu về hàng hóa tăng cao so với ngày thường. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP, ngành Thương mại, các doanh nghiệp và các hộ tiểu thương trên địa bàn đã đồng lòng, đồng thuận triển khai các giải pháp dự trữ dồi dào nguồn hàng, đảm bảo cung cầu hàng hóa, kể cả trong tình huống xấu nhất.

Đại lý gạo trên đường Ông Ích Khiêm vẫn buôn bán bình thường.

Ghi nhận của phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về tình hình thị trường TP từ đầu giờ chiều đến tối 31-3 dù sức mua có tăng lên nhưng vẫn bình ổn, từ các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, rau củ quả… cho đến thuốc chữa bệnh, xăng dầu, vàng bạc, v.v… đều dồi dào, tuyệt nhiên, không có tình trạng tranh giành mua hàng, tình trạng đầu cơ, tăng giá thu lợi bất chính. Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại không khí mua bán bình thường tại các siêu thị, chợ, đại lý, cửa hàng trên địa bàn TP vào chiều 31-3 và ý kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng về công tác bình ổn thị trường.

Lực lượng QLTT TP kiểm tra tình hình mua bán tại chợ Cồn.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho biết: Đến thời điểm này, Sở Công Thương TP đã vận động các doanh nghiệp, siêu thị, các hộ tiểu thương trên địa bàn chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ với tổng trị giá hơn 120 tỷ đồng, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, trong đó, các siêu thị dự trữ hàng hóa gần 100 tỷ đồng, các hộ tiểu thương tại các chợ đầu mối và các chợ lớn tại các quận, huyện dự trữ hàng hóa gần 21 tỷ đồng. Ngoài ra, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Sở Công Thương TP cũng đã có kế hoạch tham mưu UBND TP trích thêm nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để mua và dự trữ thêm hàng hóa nhằm chủ động can thiệp, bình ổn thị trường kể cả trong trường hợp diễn biến dịch bệnh xấu nhất.

Người dân mua xăng dầu tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên đường Trần Phú.

Ông Trần Phước Trí - quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng, cho biết: Nhằm góp phần bình ổn thị trường, ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn TP trước diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19, lực lượng QLTT TP thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh triệt phá và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để phao tin đồn nhảm, găm hàng, đầu cơ tích trữ hàng hóa, tăng giá thu lợi bất chính cũng như các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP... Các địa bàn trọng điểm tập trung kiểm tra là tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, đầu mối kinh doanh, buôn bán, đặc biệt là kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế.

Các cơ sở kinh doanh thiết yếu được mở cửa. 

* Ngày 31-3, UBND TP Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo tạm dừng hoạt động vận tải, đăng kiểm, cân tải trọng từ ngày 1-4-2020 để phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định có tuyến đi và đến các bến xe Đà Nẵng; dừng các hoạt động kinh doanh xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe trung chuyển; dừng toàn bộ hoạt động xe buýt có trợ giá, xe buýt liền kề; trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, cung cấp thực phẩm, xe đưa đón công nhân, xe chở nguyên vật liệu sản xuất. TP cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động tại trung tâm đăng kiểm xe cơ giới do có mật độ người tại khu vực này đông; dừng hoạt động trạm cân xe.

PHÚ NAM – H.Q