Báo Công An Đà Nẵng

Thị trường đồ chơi trẻ em: Thế giới trẻ thơ, mối lo người lớn

Thứ bảy, 01/06/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Kỳ nghỉ hè đã bắt đầu và nhất là Tết thiếu nhi (1-6), trẻ em đang khao khát có những trò chơi, đồ chơi sau những tháng ngày bù đầu vào bài vở nhàm chán ở trường lẫn các điểm học thêm... Vậy nhưng, thị trường xuất hiện những cảnh báo từ chính những loại đồ chơi bắt mắt...

75% là đồ chơi xuất xứ Trung Quốc

Theo Chi cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Trung, trong đợt kiểm tra thị trường đồ chơi phục vụ kỳ nghỉ hè và Tết Thiếu nhi 1-6-2013, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 7 điểm kinh doanh đồ chơi trọng điểm trên địa bàn Đà Nẵng với các loại xúc xắc, búp bê dùng pin, câu cá hồ, siêu nhân,... thì đồ chơi trẻ em nhập ngoại chiếm khoảng 90% thị trường và có tới gần 75% có xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại đồ chơi này đa phần chứa các chất độc hại đối với sức khỏe con người. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc có mẫu mã đa dạng, bắt mắt, thậm chí không có tem hàng hóa, được bày bán tràn lan. Tại các quầy đồ chơi trẻ em đường Phan Châu Trinh, đường Trưng Nữ Vương, Hùng Vương... những món đồ chơi từ ô-tô, rôbốt điều khiển từ xa, súng, máy bay, rôbốt, búp bê nhựa có sử dụng pin, điện chiếm lĩnh vì mẫu mã đa dạng, kiểu dáng mới, đặc biệt là giá rẻ nên rất được phụ huynh ưa chuộng, chọn mua... Đáng chú ý hơn là con thú nhún bằng chất liệu cao su made in China từng bị cơ quan quản lý trong và ngoài nước phát hiện chứa chất độc phthalate gây ung thư vẫn được trưng bày công khai.

Hầu hết sản phẩm đồ chơi bày bán trên thị trường in nhãn bằng tiếng Hoa và không hề ghi rõ phụ đề tiếng Việt, các quy định về xuất xứ, thành phần, nhà cung cấp, ngày sản xuất, hạn dùng cũng như những cảnh báo nguy hiểm khi sử dụng... Chị Lê, chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em trên đường Núi Thành (Đà Nẵng) thừa nhận, trên 80% đồ chơi trẻ em bán tại cửa hàng của chị đều là của Trung Quốc sản xuất. Khi được hỏi hàng được nhập từ đâu, chị không tiết lộ thông tin.

 Các loại đồ chơi đủ màu sắc sặc sỡ “made in China” được bày bán khắp nơi.

Phó GS, TS Lê Tự Hải, Trưởng khoa Hóa, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, để cạnh tranh nên nhiều cơ sở thường dùng các loại hóa chất, nhựa tái sinh kém chất lượng để sản xuất đồ chơi, nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành bán ra. Đặc biệt, những loại đồ chơi càng sặc sỡ thì càng nguy hiểm, nhất là chất làm ổn định nhiệt, trong đó có chì. Nếu lâu ngày chì nhiễm vào cơ thể trẻ em sẽ thay thế dần canxi trong xương khiến cơ thể mềm nhũn, da dẻ lở loét... đặc biệt với những em nhỏ tuổi sẽ làm chậm quá trình biết đi. Ngoài ra, trong những vật liệu bằng nhựa kém chất lượng như đồ chơi, có rất nhiều chất độc hại như: Bari, Cadimi, Crom, Chì, thủy ngân... Mặc dù không gây ra những bệnh cấp tính dữ dội tức thì, song chúng lại có khả năng tích lũy và gây bệnh mãn tính với sự phát triển âm thầm, điển hình như bệnh não, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ trẻ em, tan máu, ung thư gan, thận, phổi, dạ dày...

Theo bà Đoàn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Đo lường Chất lượng II tại Đà Nẵng, Tổng cục vừa phát hiện nồng độ chất dẻo phthalate rất cao trong nhiều loại thú nhún bày bán ở trên thị trường và đưa đã ra cảnh báo chất này có thể phá hủy hệ thống hormone của cơ thể, gây ung thư, hủy hoại thận. Khi bị nhiễm chất này lâu dài, các bé gái có nguy cơ dậy thì sớm, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh...

 

Cái khó bó cái khôn

Mặc dù tiếp cận nhiều thông tin cảnh báo về tác hại và hậu quả khó lường của các mặt hàng đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất, nhưng số lượng tiêu thụ mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Có thể hiểu, các phụ huynh vẫn đến các siêu thị, cửa hàng lựa chọn cho con trẻ những món mà chúng ưng ý nhất, nhưng lại không có nhiều sự lựa chọn. Chị Huệ (Q. Sơn Trà), thừa nhận,  chị thật sự “lạc” giữa thế giới đồ chơi trẻ em, và không biết kiếm đâu ra những loại an toàn cho con, cháu. Anh Quân, có một con trai 3 tuổi cho biết, vào cửa hàng hầu hết các phụ huynh phải tự lựa chọn, chủ yếu bằng cảm quan, thấy sản phẩm nào có vẻ chắc chắn, sạch sẽ, vừa mắt... thì mua. Một số khác thì chọn các địa chỉ, cửa hàng lớn có uy tín hoặc chỉ còn biết tin cậy vào sự hướng dẫn của người bán!

Bà Đoàn Thị Phương Dung khuyến cáo, đồ chơi là một phần không thể thiếu của thế giới trẻ thơ. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại đồ chơi như thế nào cho phù hợp lứa tuổi và phát huy được khả năng và trí tuệ cũng như độ an toàn của trẻ là điều các bậc phụ huynh phải chú trọng. Cần chọn những loại có nguồn gốc rõ ràng, có ghi thành phần các chất trong đồ chơi, tránh hiện tượng “cái khó đang bó cái khôn”, ham rẻ, nhắm mắt mua liều...

Thả nổi công tác quản lý?

Việc các loại đồ chơi “made in China” được bày bán với số lượng áp đảo, công khai khiến dư luận đặt dấu hỏi về sự quản lý, kiểm tra của các ngành chức năng. Thêm vào đó, một thị trường đồ chơi khác- thị trường đồ chơi trên mạng- hiện cũng đang bị bỏ ngỏ. Theo bà Đoàn Thị Phương Dung, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị phối hợp chỉ đạo triển khai thanh tra chuyên đề về tiêu chuẩn, chất lượng và sở hữu công nghiệp đối với đồ chơi trẻ em. Đợt thanh tra này sẽ được tiến hành trên toàn quốc trong hai tháng 8 và 9-2013.

Xuân Đương