Báo Công An Đà Nẵng

Thị trường lao động: Sắp phải cạnh tranh trực tiếp tại sân nhà

Thứ bảy, 31/10/2015 10:04

(Cadn.com.vn) - Nhiều chỉ số đáng chú ý về triển vọng thị trường và nhu cầu sử dụng lao động từ nay đến cuối năm 2015 được đưa ra tại cuộc họp công bố bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 30-10.

Nhân viên ngành Du lịch, một trong 8 ngành nghề đầu tiên sẽ được dịch chuyển tự do
trong khối ASEAN. Ảnh minh họa.

Dự báo đối với khối doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng cả năm 2015 sẽ tăng thêm 360 nghìn người (tăng 3,27%) so với năm 2014, đưa tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp đạt 12,32 triệu người. Tỷ lệ lao động làm công hưởng lương trên tổng số lao động có việc làm vào cuối năm 2015 sẽ đạt 40%. Về cung lao động, quý III/2015, lực lượng lao động ước đạt 54,31 triệu người, chiếm 76,01% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. Quý IV/2015 lực lượng lao động ước đạt 54,43 triệu người, chiếm 76,11% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên; cơ cấu lao động thành thị tăng nhẹ, chiếm 30,5%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm nhẹ, còn 2,38% vào quý IV/2015.

Theo bản tin, quý II/2015, cả nước có 52,53 triệu người có việc làm, tăng 103 nghìn người so với quý I/2015. Chuyển dịch việc làm từ nông thôn ra đô thị không thuận lợi. Khu vực thành thị có 15,73 triệu người có việc làm, giảm 663 nghìn người so với quý I, khiến tỷ trọng việc làm khu vực thành thị trong tổng việc làm giảm từ 31,26% quý I/2015 xuống còn 29,94% quý II/2015. Khu vực nông thôn có 36,81 triệu người có việc làm, tăng 766 nghìn người so với quý I/2015, khiến tỷ trọng việc làm khu vực nông thôn tăng từ 68,74% quý I/2015 lên 70,06% quý II/2015.

Lao động tăng ở một số nhóm ngành, trong đó tăng nhiều nhất là: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (223 nghìn người); thông tin và truyền thông (178 nghìn người); xây dựng (113 nghìn người); thương mại, sửa chữa (77 nghìn người); làm thuê cho hộ gia đình, kinh tế hộ gia đình (25 nghìn người)… Các ngành giảm lao động nhiều nhất là: Ngành giáo dục – đào tạo (181 nghìn người); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (114 nghìn người); hoạt động Đảng, tổ chức chính trị xã hội, an ninh quốc phòng (98 nghìn người); vận tải, kho bãi (84 nghìn người). Tỷ trọng lao động làm công hưởng lương trong tổng việc làm tiếp tục tăng, quý II/2015 đạt 38,81%. Mặc dù có biến động nhẹ về tỷ trọng lao động tự làm (giảm) và lao động gia đình không hưởng lương (tăng), nhìn chung tỷ trọng nhóm lao động dễ bị tổn thương trong tổng số người có việc làm vẫn cao (57,09%).

Trong quý II/2015, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước đạt cao nhất (6,15 triệu đồng/người). Lao động làm việc ở khu vực hợp tác xã có mức thu nhập thấp nhất (2,84 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương giảm 435 nghìn đồng (8,9%), lao động nữ có thu nhập thấp hơn, song mức giảm lại cao hơn lao động nam (tương ứng 576 nghìn đồng và 334 nghìn đồng)…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhận định: Điểm sáng của bản tin thị trường lao động Quý II/2015 là sự khởi sắc kinh tế, sức ép việc làm giảm. Lao động trong các ngành nghề chế biến tăng, lao động nông lâm ngư nghiệp giảm. Nhiều chương trình được triển khai có hiệu quả như: Hơn 90.000 lao động đi xuất khẩu lao động, vượt chỉ tiêu năm 2015, chính sách hỗ trợ thất nghiệp đã đi vào thực tế...

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, sau ngày 31-12-2015, 8 ngành nghề đầu tiên sẽ được dịch chuyển tự do trong khối ASEAN (kế toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch). Điều này tạo ra sự thách thức cạnh tranh ngay trên thị trường lao động Việt Nam khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Cộng đồng kinh tế ASEAN. Thực trạng tay nghề lao động Việt Nam chưa cao – đây chính là điểm cạnh tranh trực tiếp với lao động nước ngoài.

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức tốt hơn thị trường lao động; cung cấp cho lao động thông tin để tìm việc; nắm vững hơn cơ cấu lao động để có sự điều chỉnh phù hợp, giảm tỷ lệ thất nghiệp là những việc cần thực hiện để chuẩn bị cho quá trình gia nhập Cộng đồng chung ASEAN vào cuối năm 2015 – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.         

P.H