Báo Công An Đà Nẵng

Thiên thần của những đứa trẻ bị "từ chối"

Thứ năm, 04/07/2019 13:30

Ai cũng mong ước khi sinh ra có đầy đủ cả cha lẫn mẹ, được sống trong một mái ấm gia đình đầy ắp tình yêu thương của người thân ruột thịt. Nhưng số phận kém may mắn, không cho những đứa trẻ tội nghiệp một gia đình hoàn chỉnh, các em bị bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng. Những đứa trẻ ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc Hội Chữ Thập đỏ thành phố Đà Nẵng có lẽ sẽ không tìm được cha mẹ của mình, không biết mình đến từ đâu nhưng chúng luôn nhận được tình yêu đặc biệt từ những "người mẹ cộng đồng".

Cô Trần Thị Nhì luôn quan tâm, chăm sóc những đứa trẻ như con cháu mình.

Số phận

Bắt gặp ánh mắt cô bé Lê Thị Nga liên tục đảo mắt nhìn người lạ bước vào Trung tâm, em chạy đến nhìn một vòng xung quanh tôi rồi chụp lấy phé-mơ-tuya ở balo kéo lên kéo xuống không ngừng. Hỏi ra mới biết, em Nga đặc biệt rất thích khóa kéo, nút áo, nếu để em phát hiện thì chắc chắn sẽ không buông tha người sở hữu. Tuy được các mẹ nhắc nhở, nhưng được dăm 10 phút, khi không ai chú ý, Nga lại lén tới "nghịch" dây kéo như một trò chơi mà em yêu thích. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, cô gái nhỏ bé này đã bị bỏ rơi, bất hạnh hơn khi em mang trong mình nhiều khuyết tật dị dạng khi bị câm điếc bẩm sinh, không có lỗ tai, không lưỡi gà, lại thêm trí não phát triển chậm. Dù đã 15 tuổi, nhưng Nga chỉ như đứa trẻ lên ba, mọi sinh hoạt hằng ngày đều một tay các mẹ chăm sóc.

Trong số 23 em đang được Trung tâm nuôi dưỡng thì có đến 7 em dị tật mắc nhiều chứng bệnh khác nhau như não úng thủy, down, thần kinh, bại não. Ba trong số 7 em đã nằm một chỗ suốt nhiều năm dài. Điển hình em Trần Văn Hùng đã hơn 20 năm qua, cuộc sống của em chỉ bó hẹp trong chiếc giường dành riêng cho mình. Căn bệnh não úng thủy khiến cho phần đầu của Hùng to gấp đôi người bình thường, thân hình ngày càng teo rút, nhỏ bé. Các cô bảo mẫu thay phiên nhau túc trực ngày đêm, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, đến việc tắm rửa các mẹ đều không bỏ sót ngày nào. Vì thế, dù nằm một chỗ thời gian đã lâu nhưng chưa một lần Hùng bị lỡ loét dù thời tiết có khó chiều đến đâu.

Chăm trẻ chưa bao giờ là một việc nhẹ nhàng, mà còn là trẻ khuyết tật, thậm chí nằm một chỗ thì lại càng khó khăn hơn gấp bội. Phải là người có trái tim nhân hậu, tình yêu thương trẻ vô điều kiện thì mới làm tốt được việc này. Cô bảo mẫu Hồ Thị Mỹ Linh (50 tuổi, xã Hòa Châu, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) gắn bó với Trung tâm ngót nghét 20 năm, có những đêm dài mất ngủ vì loay hoay với các bé. "Có những đêm, các bé sốt hay có những biểu hiện bất thường, các cô đều tức tốc đưa vào viện kịp thời kiểm tra. Số ở nhà thay phiên nhau pha sữa, thay bỉm để các cháu ngủ được ngon giấc. Tại Trung tâm, phần lớn là các cháu mới mười mấy tháng tuổi đã bị bỏ rơi, nên chúng tôi đều dành tình yêu thương như những đứa con của mình", bảo mẫu Linh tâm sự.

Duyên với trẻ

Không một ai có lý do đặc biệt nào để gắn bó với Trung tâm trẻ mồ côi trong thời gian dài đến vậy. Hầu hết các bảo mẫu đều cho rằng, chỉ là làm rồi yêu, rồi thương lúc nào không hay. Ngay cả giám đốc Trung tâm, cô Trần Thị Nhì cũng vậy. Vào những năm thập niên 90, cô là Chánh văn phòng Công ty dệt may Thanh Sơn. Thế mà, trong một lần đến thăm Trung tâm, nhìn ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ tội nghiệp, kém may mắn đã thôi thúc cô Nhì xin chuyển về Trung tâm làm việc. "Có lẽ duyên với trẻ đã lôi kéo tôi về đây. Nguyện vọng của tôi lúc đấy chỉ mong muốn giúp đỡ thật nhiều đứa trẻ kém may mắn có nơi nương tựa, được sống dưới tình thương bao bọc của xã hội, của những người mẹ tuy không sinh thành nhưng luôn yêu thương các bé vô điều kiện. Ngoài sự yêu thương của các cô bảo mẫu, những đứa trẻ còn nhận được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, hằng tuần cứ 2 - 3 ngày các tình nguyện viên lại đến vui chơi, dạy dỗ, vận động cho các em nên các em vui lắm", cô Nhì nói.

Mỗi em đến với Trung tâm có một hoàn cảnh đáng thương khác nhau, có em được sinh ra từ những cuộc tình lầm lỡ, không ai dám nhận trách nhiệm. Lại có em sinh ra không may bị dị tật nên bị bỏ rơi. Hay nhiều gia đình vì cuộc sống thiếu thốn, cha đi tù, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, các cháu được đưa vào gửi gắm nuôi dưỡng không biết ngày gặp lại người thân. Dù hoàn cảnh bỏ rơi là gì, nhưng khi được các cô ở Trung tâm đón nhận, các cháu được quan tâm tận tình từ giấy khai sinh cho đến việc đi học cũng không hề bỏ lỡ. Không chỉ lo đầy đủ cho các cháu về tinh thần và sức khỏe, những đứa trẻ bình thường còn được Trung tâm hỗ trợ trong công việc tìm một mái ấm đầy đủ tình yêu thương của một gia đình. Đều đặn những năm qua, có những cháu may mắn, được gia đình ở Australia, Canada hay trong nước đón nhận làm con nuôi. Đây là niềm hạnh phúc mà các cô luôn mong muốn những đứa trẻ của mình được nhận lấy để phần nào giúp các em có cuộc sống vui tươi, yêu đời hơn.

DIỆU HUYỀN