Thiết chế văn hóa thể thao ở Đà Nẵng: Đầu tư thế nào mới tương xứng?
Trong vài năm trở lại đây đầu tư cho sự nghiệp văn hóa thể thao (VHTT) của Đà Nẵng đã tăng mạnh, từ hơn 4% lên 7,2% trong tổng chi thường xuyên của TP (tổng chi khoảng 32 ngàn tỷ đồng/năm). Nhưng để nói nguồn đầu tư này đã tương xứng chưa thì không ai dám khẳng định!
Đoàn giám sát của HĐND TP làm việc với Sở VHTT Đà Nẵng về công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng thiết chế VHTT tại địa bàn sáng 9-6. |
Giữ đất cho tương lai
Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Huỳnh Văn Hùng nói rằng, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị xác định phải xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm VHTT lớn của khu vực và cả nước. Muốn làm được điều đó cần có 3 yếu tố là thiết chế (cơ sở vật chất), con người và kinh phí. Song cả 3 yếu tố này với Đà Nẵng đều đang có vấn đề. Trước tiên là quĩ đất qui hoạch dành cho thiết chế VHTT, ông Hùng nói những năm qua luôn phải “chiến đấu” để giữ quĩ đất qui hoạch cho thiết chế VHTT. Chẳng hạn Khu liên hiệp thể thao Hòa Xuân rộng 129 ha, đã qui hoạch rất chi tiết, vậy mà vẫn nhắm vào đó điều chỉnh, đưa thêm dự án khác vào. Theo ông Hùng, tiến độ xây dựng KLH thể thao Hòa Xuân rất chậm, mới đạt 15%, trong khi còn 7 hộ dân vướng giải tỏa kéo dài từ năm này qua năm khác. Hiện 4-5 bộ môn phải ăn đậu ở nhờ dưới gầm sân Chi Lăng của tập đoàn Thiên Thanh, do vậy ông Hùng mong muốn TP sớm giải tỏa, đẩy nhanh tiến độ dự án KLH thể thao Hòa Xuân.
Tương tự với Trung tâm Văn hóa Điện ảnh (TTVHĐA), ông Hùng bảo cả nước chỉ có mỗi Đà Nẵng chưa có TTVHĐA, trong khi đây là thiết chế văn hóa căn bản để thực hành đời sống văn hóa. Sau 12 năm rời địa chỉ 84 Hùng Vương nhường đất cho một dự án kinh tế, TTVHĐA “lang thang” quanh TP giờ thì ở tạm tầng 3 của TT Hội chợ triển lãm. Trong số 19 CLB với gần 800 hội viên sinh hoạt thường xuyên tại TTVHĐA , có những hội viên CLB thơ 80 tuổi, rất khó khăn khi phải lên tầng 3 của TT Hội chợ triển lãm để sinh hoạt. Tuy nhiên, điều đáng nói, hiện qui hoạch xây dựng TTVHĐA ở đâu vẫn chưa rõ ràng. Trước đây, TTVHĐA được quy hoạch 4,2ha cùng với Nhà hát lớn 8ha tại Khu đô thị Đa Phước, tuy nhiên do dự án đang trong giai đoạn thanh tra toàn diện nên chưa được triển khai. Mặt khác, dự án Khu phức hợp nghệ thuật xiếc cấp vùng được TP bố trí đất tại khu vực Công viên Thanh Niên với diện tích 3,7 ha cũng chưa triển khai do vướng về vốn. Do vậy, TP đang xem xét chuyển dự án rạp Xiếc về KLH thể thao Hòa Xuân đồng thời sử dụng khu đất 3,7 ha tổ chức phương án qui hoạch, kiến trúc tổng thể công viên trong đó có bố trí trụ sở làm việc của TTHC quận Hải Châu và TTVHĐA Đà Nẵng.
Theo qui hoạch sử dụng đất, diện tích đất dành cho cơ sở văn hóa của TP đã tăng từ hơn 31 ha năm 2016 lên hơn 213 ha năm 2020. Đất thể thao tăng từ 214 ha lên trên 285 ha. Theo ông Hùng, có thể hiện nay chưa đủ nguồn lực đầu tư thiết chế VHTT song vẫn phải qui hoạch để dành quĩ đất cho văn hóa trong tương lai. Bởi lẽ dành quĩ đất cho VHTT là dành nguồn lực cho tương lai, sẽ vẫn còn nguyên ở đó.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết phải "chiến đấu" để giữ đất quy hoạch cho văn hóa. |
Đầu tư chưa đồng bộ
Việc đầu tư thiết chế VHTT cấp cơ sở hiện còn chậm, thiếu đồng bộ, công năng chưa phù hợp. Đúng ra tới năm 2020 thì 80% xã phường ở Đà Nẵng có trung tâm VHTT nhưng hiện giờ mới đạt 38%. Chưa kể, tiến độ đầu tư các hạng mục chậm, khi hạng mục cuối hoàn thành thì hạng mục đầu tiên của công trình đã xuống cấp. Ông Hà Vỹ- Phó giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao cho biết, việc đầu tư thiết chế VHTT cơ sở chủ yếu tập trung vào các hạng mục kiến trúc, phần trang thiết bị chuyên dùng hầu như chưa được đầu tư đảm bảo yêu cầu, do đó khó hoạt động hiệu quả. Ông Trần Chí Cường- Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐND Đà Nẵng nói: Một thiết chế VHTT không thể hoạt động hiệu quả khi mức độ đầu tư chỉ đạt 30-35%. Tôi có cảm giác việc đầu tư như thể để giữ đất. Ngành văn hóa phải xem đầu tư đồng bộ, hoàn thiện tránh đầu tư chắp vá, hiệu quả sử dụng không có và lãng phí. Cũng theo ông Cường, việc qui hoạch để giữ đất cho VHTT là cần thiết, song phải tính toán cụ thể, khu vực nào dành để xã hội hóa, như các sân bóng, phòng yoga tư nhân đầu tư được thì để họ làm. TP chỉ đầu tư những thiết chế VHTT mà tư nhân không làm, song có nhu cầu của người dân, và phải thực hiện đồng bộ, tránh đầu tư nửa vời, hiệu quả sử dụng kém, thành lãng phí.
Về con người để vận hành thiết chế VHTT, đặc biệt tại xã phường hiện vẫn là 1 trở ngại. Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc TTVHĐA Đà Nẵng cho biết, một số thiết chế VHTT phường xã hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu nhân sự chuyên trách. Đơn cử, cả TTVH xã phường không có 1 chuyên trách, chỉ có kiêm nhiệm, kinh phí mỗi năm chỉ khoảng 80 triệu đồng, như vậy rất khó hoạt động hiệu quả. Tình trạng đầu tư rồi xuống cấp, thành nơi phơi lúa, thả bò của người dân khó tránh khỏi.
Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lê Minh Trung cho biết, chủ trương xã hội hóa hoạt động VHTT rất quan trọng, nhưng 3 năm qua không có 1 dự án nào được tư nhân đầu tư. Lý do, cơ chế để thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực VHTT còn hạn chế, tự “trói chân” mình. Đơn cử, việc đấu thầu, đấu giá đất chỉ thực hiện khi có 2 nhà đầu tư tham gia trở lên, còn nếu 1 nhà đầu tư thì không phải thực hiện qui trình này. Cũng theo ông Trung, TP đang có chủ trương gộp đất tái định cư còn dư thành những lô đất lớn, trong đó ưu tiên phục vụ mục đích công cộng, các thiết chế VHTT. Mặt khác, TP đang thực hiện điều chỉnh qui hoạch chung, cơ hội dành quỹ đất cho thiết chế VHTT rất lớn.
HẢI QUỲNH