Báo Công An Đà Nẵng

Thiết tha khúc hát Tổ quốc mãi gọi tên

Thứ sáu, 03/08/2018 09:52

Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào huyền thoại nửa thế kỷ qua. Miền đất máu lửa năm xưa nay đã yên ả đón từng đoàn người về thăm viếng. Nhiều người lính sống sót trở về từ cuộc chiến vẫn thầm lặng nỗi đau thương đồng đội, vẫn xót xa nỗi tiếc nhớ những người con đã vĩnh viễn an nghỉ dọc tuyến đường Trường Sơn lịch sử huyết mạch của quê hương. Với niềm rung cảm mãnh liệt như vọng về từ quá khứ hiển linh, tác giả Lam Phan đã tuôn trào những giai điệu da diết gửi theo lời ca ẩn chứa bao tiếc nhớ khôn nguôi về mười cô gái đang độ tuổi trăng tròn đã ra đi mãi mãi trong nỗi đau thương vô tận của người ở lại:

Tôi trở về huyền thoại chiến trường xưa, trên con đường Trường Sơn đầy nắng lửa. Nghe gió reo trên đồi như tiếng hát. Hoàng hôn buông tím ngát màu hoa mua. Tôi trở về dâng hương lên nghĩa trang. Mười cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Dâng hương trầm mà lòng rưng rưng khóc. Tuổi đôi mươi đã nằm lại chiến trường.

Những thanh âm ray rứt, nghẹn ngào cuốn theo cung bậc giọng Rê thứ trầm sâu của tiết điệu 2/4 cùng nhịp bước chân lặng lẽ dẫn đưa người lính về chốn xưa một thời đạn bom khốc liệt, hồi ức miên man, xót đau về những đóa hoa trinh liệt chưa một lần nếm trải hương vị của tình yêu, chưa kịp bước về phía hòa bình của đất nước.

Tuổi đôi mươi đã nằm lại chiến trường

Tổ quốc vinh danh các O, mười bông hoa

Đồng Lộc bất tử

Mười ước mơ còn dang dỡ chưa thành

Các O tóc mãi còn xanh, để các anh tóc

giờ đã bạc

Những câu hát nghẹn ngào chợt ly điệu sang giọng La thứ như tiếng nấc lặng lẽ, chứa chan niềm thương tiếc về những cô gái mới đôi mươi đã sống và chiến đấu quật cường giành độc lập cho quê hương. Ký ức ấy đã lay động trái tim người nghệ sĩ khi cảm thấu tận cùng nỗi lòng những người mẹ về những đứa con bé nhỏ đã chìm khuất, đã vĩnh viễn vuột khỏi đôi tay gầy gò, yếu ớt của đấng sinh thành. Phải với nguồn xúc cảm vô hạn tận đáy lòng tác giả mới viết lên những nét nhạc sâu lắng da diết như thế.

Ngày vẫn đợi tháng năm vẫn đợi

Về một lần mặc áo cưới các O ơi

Này O Xuân, Tần, Hường, Hà, Hợi

Này O Nhỏ, Cúc, Rạng, Xuân, Xanh

Mẹ gọi tên các O răng đi mô chưa về

mẹ đợi

Bồ kết còn đây về mà tắm gội

Gương lược còn đây về chải tóc điểm trang

Và không chỉ dừng lại ở cảm xúc ngút ngàn, những lời ca ấy lại hồi sinh mãnh liệt theo âm giai trầm hùng của Lam Phan, một tác giả mà tên tuổi hãy còn mới lạ trên mảnh đất Đà Nẵng. Những câu hát giàu nhạc cảm ấy, đã theo cùng Lam Phan nguồn cảm hứng vô tận khi miêu tả hồi ức xa xưa. Với khúc thức một đoạn đơn tái hiện ABA, Ca khúc Tổ quốc mãi gọi tên của anh chợt làm thổn thức bao nỗi niềm đồng đội, lòng vui thêm khi trên miền đất thiêng Đồng Lộc đã nảy bao mầm xanh tươi mới, những trẻ thơ lớn lên trong niềm tự hào về lịch sử anh hùng cùng với bao ước mơ về tương lai rực sáng trong niềm tin yêu cuộc sống, trước bao đổi thay mới mẻ của quê hương.

Tổ quốc thanh bình ngày đang đổi mới

Chiến trường xưa cây trái lên xanh màu

Đàn trẻ thơ rộn vui tiếng cười

Dưới mái trường xưa thắp sáng những

ước mơ

Dưới mái trường viết tiếp những ước mơ

Ngôn ngữ âm nhạc dàn trải, chuyển điệu nhẹ nhàng theo dòng ký ức thấm đẫm kỷ niệm nơi chiến trường xa xưa, một thời chiến tranh đã qua, những ngày hòa bình đã tới. Rồi ngày ngày từng đoàn người trở về thăm chiến trường xưa Đồng Lộc dâng nén hương lòng nhớ tiếc mười thiếu nữ lẫm liệt, đã hy sinh kiên cường trong lứa tuổi thanh xuân, để cho Tổ quốc mãi gọi tên. Hình ảnh thiêng liêng ấy luôn sống mãi trong tâm tưởng bao người con nước Việt.

Cùng đoàn người nối tiếp nhau viếng mộ

Dâng hương trầm và ngàn hoa rực rỡ

Các O ơi quê hương luôn ghi nhớ

Mười bông hoa Đồng Lộc bất tử

Mười bông hoa trinh liệt thiêng liêng

Mười bông hoa Tổ quốc mãi gọi tên

Và phải chăng, với ý nghĩa sâu sắc ấy, tác giả Lam Phan lần đầu tiên tham gia một cuộc thi sáng tác ca khúc, đó lại là cuộc thi được phát động trong phạm vi cả nước kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc và anh vinh hạnh đạt giải khuyến khích trong 10 giải được trao trong đêm chung kết cuộc thi tại Hà Tĩnh tháng 7 vừa qua.

Văn Thu Bích