Báo Công An Đà Nẵng

Thiếu bác sĩ ở "lò" đào tạo bác sĩ

Thứ bảy, 04/11/2017 11:24

TT-Huế có Trường Đại học Y Dược Huế là nơi hàng năm cung cấp đội ngũ bác sĩ (BS) quy mô lớn làm việc tại các bệnh viện ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên và khắp cả nước. Thế nhưng một nghịch lý đang diễn ra là việc tuyển dụng BS làm việc tại TT-Huế lại đang gặp khó khăn.

Tình trạng thiếu BS sẽ khiến người bệnh ở tuyến cơ sở chịu thiệt thòi (Trong ảnh, khám bệnh cho người dân tộc thiểu số ở A Lưới). Ảnh: H.LAN 

Ở thành phố cũng thiếu bác sĩ 

Theo Sở Y tế TT- Huế, nhiều năm liên tiếp, Sở có thông báo tuyển dụng BS nhưng rất ít trường hợp nộp đơn. Để khắc phục tình trạng thiếu BS, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các tuyến dưới cho phép các y sĩ đa khoa đăng ký thi để học lên BS; đề xuất tỉnh xin chủ trương đào tạo BS theo địa chỉ, số lượng có hạn, các sinh viên ra trường nay đã bố trí đầy đủ ở các tuyến. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ rất khó khăn bởi đối tượng y sĩ thi lên BS không còn dễ dàng như trước nữa vì thi đề chung với thí sinh thi đại học y khoa; chỉ tiêu cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ đã chấm dứt…

Tại kỳ họp HĐND tỉnh cho thấy, hiện các bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế (TTYT) các huyện, thị xã và thành phố đều thiếu BS. Thiếu nhiều nhất là TTYT TP Huế khoảng 17 BS, trong đó tại trung tâm thiếu 10 BS và 7 trạm y tế (TYT) thuộc 7 phường chưa có BS đa khoa. Theo BS Trần Quốc Hùng, Giám đốc TTYT TP Huế, hiện các TTYT đang thiếu BS đa khoa là do không có người ứng tuyển, mặc dù năm nào Sở Y tế cũng thông báo tuyển dụng. Ngay cả TTYT TP cũng thiếu, phải rút BS ở các TYT về. Trước thực trạng thiếu BS, TTYT TP Huế đã điều BS của trạm khác, phường khác được bố trí tăng cường đến khám chữa bệnh 2 ngày/1 tuần cho các TYT chưa có. "Chúng tôi lớn tuổi rồi, mỗi lần đi lại khó khăn nhưng nhiều khi cần khám, lấy thuốc đến TYT phường thì không có BS tăng cường. Bệnh tật trong người phát ra bất ngờ làm sao chờ đợi BS tăng cường được", bà Nguyễn Thị P. ở P. Phường Đúc, TP Huế -  phản ánh.

Giám đốc TTYT TP Huế Trần Quốc Hùng cho biết, dù cuối năm 2016 lãnh đạo Sở Y tế thống nhất, có thể bố trí BS Y học dự phòng hoặc BS Y học cổ truyền về công tác tại TYT, vì theo quy định mới các BS này được cấp phép chứng chỉ hành nghề có phạm vi khám chữa bệnh ban đầu. Thế nhưng, nhiều người dân không đồng tình vì BS y học cổ truyền, y học dự phòng lại khám chữa bệnh tây y cho họ. Mặc dù các BS đông y công tác trên 18 tháng được cấp chứng chỉ hành nghề, khám chữa bệnh tây y nhưng người dân hoàn toàn không yên tâm mà đành mất tiền đến cơ sở khám chữa bệnh khác. Tương tự, tại các đợt tiếp xúc cử tri, người dân H. Quảng Điền đề nghị tỉnh tăng cường BS có chuyên môn và tay nghề về huyện nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Bệnh nhân đến khám bệnh tại một cơ sở y tế ở TP Huế. Ảnh: H.LAN

Chính sách đãi ngộ chưa hấp dẫn

Trước thực trạng thiếu BS, nhiều TTYT các huyện trên địa bàn tỉnh TT-Huế cũng đã có cách làm riêng để thu hút BS. BS Trương Như Sơn - Giám đốc TTYT Phú Vang cho biết, các BS chính quy về huyện thì được trả mức lương 10 đến 15 triệu đồng/BS tùy theo trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có TTYT nếu BS chính quy về huyện thì mức hỗ trợ lần đầu 30 triệu đồng, sau đó mỗi tháng lương 5 triệu đồng. Tuy nhiên, bệnh viện tuyến dưới vẫn khó thu hút các BS về làm việc.

Nhiều năm nay, các BS tốt nghiệp loại khá, giỏi của Trường Đại học Y Dược Huế sau khi ra trường đã không ít người Nam tiến. Khi tìm hiểu về nguyên nhân thì được biết, do chính sách đãi ngộ đối với BS làm việc tại TT-Huế không hấp dẫn như các tỉnh, thành khác. BS Trần Thị Quỳnh D., hiện đang công tác ở tỉnh Bình Dương kể, hồi mình mới ra trường, tốt nghiệp BS chính quy loại giỏi nếu vào Bình Dương công tác thì được hỗ trợ lần đầu là 450 triệu đồng, BS loại khá được hỗ trợ 420 triệu đồng. Với chính sách ưu đãi, không ít tân BS khi ra trường đã chọn vào địa phương này để lập nghiệp. Ngoài việc được hỗ trợ tiền thì BS đến làm việc ở đây còn được bố trí nhà ở hoặc trả tiền thuê nhà, được tạo điều kiện làm việc tốt nhất để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Tương tự, ở tỉnh Bình Định, Phú Yên…, các BS tốt nghiệp chính quy khi đến các địa phương này công tác đều được hỗ trợ một khoản tiền lần đầu và nhiều chế độ khác. Chị L.T. H.G. sau khi tốt nghiệp BS đa khoa Trường ĐH Y Dược Huế đã chọn vào Bình Định lập nghiệp. "Em tốt nghiệp bằng khá, khi về Bình Định được hỗ trợ 150 triệu đồng và được hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng. Hơn nữa, môi trường làm việc thân thiện, có sự giúp đỡ, chia sẻ và dìu dắt của các BS đi trước nên tạo động lực cho em làm việc tốt hơn", H.G chia sẻ.

Theo một số chuyên gia đầu ngành Y, để thu hút và giữ chân BS trẻ chính quy công tác tại TT-Huế thì địa phương này cần có chính sách hấp dẫn, hỗ trợ điều kiện, môi trường làm việc.

H.LAN