Báo Công An Đà Nẵng

Thiếu giáo viên, học sinh lèo tèo đến lớp

Thứ năm, 22/10/2020 15:19

 Do ảnh hưởng của đại dịch Covid19, năm học mới ở huyện vùng cao Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) mới khởi đầu năm học cách đây hơn một tháng. Song đến thời điểm hiện nay hơn 500 em học sinh người Giẻ Triêng, BhNong ở Phước Sơn vẫn không được đến lớp, đến trường. Nguyên nhân do thiếu giáo viên.

Ở độ tuổi đến lớp nhưng nhiều trẻ ở H. Phước Sơn phải ở nhà với bố mẹ.

Giáo viên nghỉ dạy, học sinh ở nhà

Chị Hồ Thị Phia ở thôn 2, xã Phước Năng (H. Phước Sơn) có hai con nhỏ trong độ tuổi đến trường. Chỉ có cháu lớn học lớp 3 tiếp tục đi học, còn cháu nhỏ hơn 3 tuổi không được đến trường. Chị Phia giải thích: “Đưa cháu đến trường mầm non xã xin học thì nhà trường không tiếp nhận vì thiếu giáo viên. Chừ đi rẫy hay đi làm chi cũng cõng nó theo, chứ để ở nhà không ai trông coi. Chỉ mong có cô giáo để cho con tôi được đi học”. Không riêng gì gia đình chị Phia mà 108 trẻ từ 3 - 4 tuổi ở xã Phước Năng đều không thể đến trường do thiếu giáo viên.

Trường Mẫu giáo liên xã Năng Mỹ (H. Phước Sơn) được giao chỉ tiêu 18 biên chế, song hiện tại nhà trường còn thiếu 6 giáo viên. Thu nhập gần 3,5 triệu đồng/tháng, áp lực công việc lớn, tiêu chuẩn thi tuyển biên chế cũng rất cao nên nhiều giáo viên đã nghỉ dạy. Tình trạng giáo viên nghỉ dạy đi làm công nhân khiến cho việc thiếu giáo viên ở miền núi ngày càng trầm trọng hơn. Trường lớp xây dựng khang trang nhưng do không có giáo viên nên đành đóng cửa.

Cô giáo Hồ Thị Thước- Trường Mẫu giáo liên xã Năng Mỹ cho biết: “Mức lương của em thì thấp, mà công việc phải đi từ sáng tới chiều, nhiều lúc em cũng muốn nghỉ dạy để tìm việc khác. Song cố gắng bám víu để mong có cơ hội thi viên chức. Nhưng giờ thấy thông báo trình độ trung cấp mầm non như em không được dự thi, thật sự em rất lo lắng. Mấy bạn học cùng khóa với em ra đi dạy, chừ cũng nghỉ đi làm công nhân hết rồi”.

Theo Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo liên xã Năng Mỹ Lê Thị Hữu, năm học 2020- 2021, tất cả trẻ trong độ tuổi 3 - 4 tuổi của hai xã đều nghỉ học, không được ra lớp. Điểm trường chính có 4 phòng học, nhưng 2 phòng phải đóng cửa vì không có giáo viên đứng lớp. Còn các giáo viên hợp đồng, nhà trường gần như đi “năn nỉ” những ai có trình độ trung cấp mầm non quay lại giảng dạy. Vì mức thu nhập thấp, áp lực lớn, lại dạy xa nhà nên giáo viên không mặn mà với chuyện đi dạy. Nhà trường cũng cố gắng cầm cự và chờ chỉ tiêu phân bổ giáo viên của huyện.

Thiếu giáo viên trầm trọng

H. Phước Sơn có 7 trường mầm non, hiện thiếu 30 giáo viên. Trong năm nay, tỉnh giao cho H. Phước Sơn 23 chỉ tiêu biên chế viên chức giáo viên mầm non, hết hạn nhận hồ sơ nhưng chỉ có 7 giáo viên đăng ký dự thi. Cho dù 7 giáo viên dự thi tuyển trúng tuyển viên chức thì huyện này vẫn thiếu 16 giáo viên. Đây là khó khăn mà ngành giáo dục Phước Sơn rất khó giải quyết.

Bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD-ĐT H. Phước Sơn cho biết, hiện nay địa phương có rất nhiều trẻ không được ra lớp, nguyên nhân chính là không có giáo viên đứng lớp. Tại thị trấn Khâm Đức, Phòng GD-ĐT huyện đã linh động cho các trường mở 4 lớp theo mô hình xã hội hóa giáo dục với gần 100 cháu theo học. Tại đây còn có 8 nhóm tư thục hình thành, giải quyết nhu cầu theo học của 100 cháu khác. “Song đến thời điểm này, theo thống kê, toàn huyện Phước Sơn vẫn còn hơn 500 em trong độ tuổi từ 3 - 4 tuổi không được đến trường, đến lớp. Chúng tôi chỉ mong HĐND tỉnh sớm thông qua đề án vị trí việc làm để địa phương sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp. Chứ tình trạng học sinh không được ra lớp như thế này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu của trẻ khi vào lớp 1, nhất là với con em đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Lệ nói.

Không chỉ bậc mầm non, trên địa bàn H. Phước Sơn, cấp tiểu học và THCS vẫn thiếu giáo viên. Ngoài thu nhập thấp, áp lực công việc, tiêu chí thi tuyển khắt khe thì nhiều giáo viên miền núi xin chuyển công tác về đồng bằng cũng là nguyên nhân khiến địa bàn Phước Sơn bị thiếu hụt giáo viên đứng lớp có kinh nghiệm.

T.S