Báo Công An Đà Nẵng

Thiếu nước sạch, nhiều người mắc bệnh da liễu và tiêu hóa

Thứ tư, 11/01/2017 10:12

(Cadn.com.vn) - Nhiều năm qua, hơn 11.000 nhân khẩu sinh sống ở các bản làng thuộc 5 xã vùng cao huyện Nam Đông (TT-Huế) gồm: Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Nhật, Thượng Long và Thượng Quảng phải sử dụng nguồn nước khe suối bị ô nhiễm để sinh hoạt, ăn uống. Người dân ở X. Thượng Long luôn đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, khi một số con suối chảy qua địa bàn xã vốn là nơi cung cấp nguồn nước cho các hộ dân địa phương dần khô cạn vào mùa nắng và đục ngầu vào mùa mưa. Tại dòng suối A Rơng chảy qua X.Thượng Long, hàng ngày, có rất đông người xách can nhựa đến suối lấy nước về sử dụng. Nhiều trẻ em trong làng cũng đến đây tắm rửa. Và điều đáng nói, cũng chính ở con suối này, hàng ngày, gia súc trâu bò đến tắm, uống nước. Ông Phạm Văn Xưng (69 tuổi) cùng vợ là Lê Thị Em ở X.Thượng Long- sinh sống ở đây hơn 20 năm, nhưng từ đó đến nay chỉ biết lấy nước khe suối để sinh hoạt, ăn uống do không có nguồn cung cấp nước sạch. "Do con suối A Rơng thường khô cạn vào mùa nắng, đặc biệt ở phía đầu nguồn, có nhiều hộ dân chặn suối đưa nước vào ruộng, sau đó các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ được phun trên ruộng theo dòng suối chảy về hạ nguồn nên nước suối bị ô nhiễm nặng. Biết là vậy nhưng không dùng thì cả nhà phải chịu cảnh chết khát"- ông Xưng lo lắng.

Cùng cảnh ngộ như gia đình ông Xưng, tại các thôn, 5, 6, 7 của X. Thượng Long có hàng trăm gia đình phải lấy nước từ suối A Rơng để ăn uống, sinh hoạt. Điều đáng nói, có nhiều hộ phải đi lấy nước hàng cây số và việc lấy nước mất rất nhiều thời gian. Theo ông Trần Văn Trĩ, Chủ tịch UBND X. Thượng Long, toàn xã có 617 hộ dân thì phần lớn người dân đều phải sử dụng nước khe suối. Còn theo ông Phạm Xuân Sử-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế X.Thượng Long, do sử dụng nguồn nước suối nhiễm bẩn trong thời gian dài nên phần lớn người già, trẻ em và phụ nữ trên địa bàn xã đều mắc các bệnh về da liễu, tiêu hóa và đường ruột. Bình quân mỗi năm, có khoảng 4.000 lượt người đến trạm y tế xã để thăm khám, điều trị các chứng bệnh nói trên. "Vì thế, xã rất mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện đầu tư một công trình nước sạch để người dân không còn dùng nước khe suối. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người dân nên sử dụng nguồn nước phải đảm bảo vệ sinh"- ông Sử nói.

Suối A Rơng không chỉ là nơi người dân đến tắm rửa, sử dụng ăn uống
mà còn là điểm nghỉ chân của trâu bò.

Tại các xã Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Nhật và Thượng Quảng cũng có nhiều công trình nước tự chảy nhưng do đầu tư quá lâu năm nên phần lớn đã xuống cấp, chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu của người dân. Tại X. Thượng Nhật có hơn 200 hộ phải sử dụng nước khe, suối không hợp vệ sinh; X. Thượng Quảng có 426 hộ dùng nước khe suối và 78 hộ dùng nước giếng khôngđảm bảo; xã Hương Hữu có 437 hộ sử dụng nước khe suối; xã Hương Giang có gần 300 hộ sử dụng nước giếng và khe suối..."Mấy năm về trước, khi hệ thống nước tự chảy còn dùng được thì bà con đỡ khổ hơn. Nay đường ống đã hư hỏng nên mỗi ngày, 60 hộ dân trong làng đều phải ra khe A Vôn múc từng can nước gùi về nhà. Vào những ngày hè, tui phải đi bộ cả 4 cây số mới lấy được 2 can nước"- ông Hồ Văn Tam ở thôn 5, X.Hương Hữu than thở.

Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN&PTNT H. Nam Đông cho biết, qua khảo sát, có gần 1.600 hộ ở 5 xã vùng cao của huyện sử dụng nước từ khe suối không đảm bảo vệ sinh. Trước thực trạng khó khăn về nguồn nước sạch, mới đây UBND huyện đã đề xuất với UBND tỉnh giao cho Cty TNHH NN MTV Xây dựng và cấp nước TT-Huế thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy nước sạch cung cấp cho người dân. "Suốt nhiều năm qua, người dân 5 xã vùng cao của huyện chủ yếu dùng nước khe suối không đảm bảo vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Cũng như người dân, chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện để dự án nhà máy nước sạch sớm được xây dựng để giúp người dân chấm dứt cảnh dùng nước khe suối như hiện nay"- ông Son mong muốn. Được biết, hiện, phía Cty TNHH NN MTV Xây dựng và cấp nước TT-Huế đã lập đề án xây dựng nhà máy nước sạch ở X.Thượng Long (H.Nam Đông), công suất cấp nước khoảng 2.000m3/ngày đêm, nhằm cung cấp nước sạch cho 5 xã trên và một số xã lân cận với nguồn kinh phí gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Cty cái khó vẫn nằm ở khâu kinh phí. Điều này, đồng nghĩa với việc gần 1.600 hộ dân ở H. Nam Đông tiếp tục sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

H.Lan