Báo Công An Đà Nẵng

Trước thềm năm học mới:

Thiếu phòng học, hàng nghìn trẻ mầm non không được đến lớp

Thứ sáu, 02/08/2013 10:48

(Cadn.com.vn) - Trong khi dư luận đang hết sức bức xúc về chuyện hàng loạt nhà vệ sinh trường học được Sở GD-ĐT Quảng Ngãi đầu xây dựng với “giá khủng” trên diện tích vỏn vẹn mấy chục mét vuông (còn đang chờ kết quả thanh tra), thì tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hàng nghìn học sinh (HS) mầm non không được đến lớp vì thiếu phòng học. Đây là một nghịch lý tồn tại trong nhiều năm qua.

Trường Mầm non Nghĩa Hà bị sập...

Làm hiệu trưởng ở... nhà văn hóa

Không có trường mầm non, từ nhiều năm nay HS mầm non ở xã Tịnh Giang, H. Sơn Tịnh phải chịu cảnh học nhờ ở các nhà văn hóa. Bà Nguyễn Thị Kim Loan-Hiệu trưởng Trường Mầm non Tịnh Giang bộc bạch: “Toàn xã có 5 điểm trường Mầm non thì đều đặt ở nhà văn hóa, vì không có trường mẫu giáo nên chính quyền địa phương mới có “sáng kiến” bất đắt dĩ này. Phải học nhờ ở nhà văn hóa nên điều kiện về cơ sở vật chất thiếu thốn mọi bề, nơi làm việc của Ban Giám hiệu cũng như nơi sinh hoạt vui chơi, học tập của các em không đảm bảo, nhiều hôm phải cho các em nghỉ học để nhường “trường” lại cho thôn mỗi khi có hội họp”.

Số HS mầm non ở xã Tịnh Giang được học ở nhà văn hóa cũng đã xem là may mắn vì năm học 2012-2013 toàn xã có 402 em từ 3-5 tuổi nhưng chỉ có 196 em được ra lớp, còn lại phải ở nhà vì phòng học ở nhà văn hóa đã quá tải. Mỗi khi đến năm học mới, phụ huynh có con tuổi mầm non đứng ngồi không yên. Ông Lê Thanh Quyết ở thôn Đông Hòa bức xúc: “Tui có hai cháu nhỏ sinh năm 2008, 2009, năm ngoái đăng ký cho các cháu đi học nhưng đều không còn suất. Thấy con người ta đến tuổi được tung tăng cắp sách đến trường nhìn mà xót ruột cho các cháu. Đâu phải mình kém nhận thức mà để các cháu chịu cảnh thất học, đằng này mình tha thiết muốn các cháu được đi học nhưng bị nhà trường khước từ”.

...nên 120 HS của trường phải chuyển sang học ở 2 phòng thực hành
chức năng của Trường Tiểu học Đông Hà (cùng xã).

Một điểm trường- hai hiệu trưởng

Còn tại Trường Mầm non xã Nghĩa Hà, H.Tư Nghĩa, 120 HS mầm non ở đây cũng đang hết sức khổ sở vì đang học nhờ ở phòng thực hành chức năng của Trường Tiểu học Đông Hà (cùng xã). Cô Đặng Thị Minh Thu-Hiệu trưởng nhà trường phân trần: “Trường mầm non của xã nguyên là điểm trường của Trường Tiểu học Nghĩa Hà, sau khi trường tiểu học được xây mới, vì không có trường mầm non nên chúng tôi được “tiếp quản” ngôi trường này làm điểm dạy. Tháng 10-2012, một phòng học đã bị sập, các phòng còn lại cũng đang rệu rã, đầy những vết nứt loang lổ, không đảm bảo an toàn, nhà trường phải mượn tạm cơ sở của trường tiểu học. Từ 4 lớp, giờ dồn xuống còn 2 lớp, chỉ mỗi việc tìm chỗ học  cho các em đã khổ lắm rồi, nói gì đến nơi làm việc của Ban Giám hiệu, không biết đến bao giờ mới chấm dứt tình cảnh một điểm trường mà hai hiệu trưởng như thế này”. Cách đó 7 km, nhiều phụ huynh ở xã Nghĩa An, H.Tư Nghĩa lại phải chở con đi học nhờ trường mầm non ở các xã lân cận vì các điểm trường mầm non trong xã số lượng HS quá tải. Bà Lê Thị Huyền Trâm– Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa An cho biết: “Toàn xã có 1.060 trẻ từ 3-5 tuổi. Năm học 2012-2013 chỉ có 555 em được học ở xã, trong đó ưu tiên cho trẻ 5 tuổi, còn hầu hết số HS 3-4 tuổi, phụ huynh chạy vạy đi đăng ký học ở các xã khác, hoặc phải chờ đến 5 tuổi mới hy vọng được đi học”.

Qua trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Thu Phương,  Phó phòng GD-ĐT H.Tư Nghĩa, cho biết: “Năm học 2012- 2013, toàn huyện có 6.692 trẻ từ 3-5 tuổi, nhưng chỉ giải quyết cho 5.140 em được ra lớp, số còn lại phụ huynh phải “tự bơi”. Năm học mới đang cận kề, chúng tôi cũng đang đau đầu, nhưng vì cơ sở vật chất của huyện yếu kém nên không đáp ứng được, nhìn cảnh hàng nghìn em phải ở nhà chúng tôi cũng xót xa như phụ huynh các em”.

Bạch Vân