Báo Công An Đà Nẵng

Thơ là lửa - ai dính vô rồi cũng chết thiêu*

Thứ sáu, 13/06/2014 09:28

(Cadn.com.vn) - Đặt bút viết những câu thơ đầu tiên của cuộc đời khi khoác ba lô lên đường đi bộ đội, lúc đó Trần Trình Lãm mới ngoài 20 tuổi. Bẵng đi thật lâu,  anh nhận ra những khoảng không lặng im giữa đời sống thật và những lời réo gọi từ trái tim mê thơ đắm đuối. Anh vin vào thơ như chính định mệnh đời mình thôi thúc anh viết và lặng lẽ cho cảm xúc hồi sinh và chín.

 

Tập thơ với tên gọi khá ấn tượng Hiến tạo của anh vừa được NXB Hội nhà văn ấn hành, như một lời thú nhận của tác giả đối với thơ trong sự nghiệp cầm bút của mình. Tất cả được chưng cất lên bởi sự trải nghiệm của tác giả khi đi qua nhiều ngõ ngách của tâm hồn, sự cuộn chảy ồ ạt không ngừng của cuộc sống và phận người. Ở đó, chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc đời người bằng sự thể hiện tinh tế qua ngôn ngữ thơ vừa truyền thống vừa hiện đại. Từ nỗi buồn được chưng cất lên từ Tiếng lẹt xẹt của đôi guốc, Trôi nghiêng, Lõa thể, đến nỗi nhớ và tâm niệm cuộc đời trong các bài thơ Vờ như không, Hoàn nguyên, Huyền thoại về những đứa trẻ, Giấc kê vàng rồi sự phá cách để biến nỗi buồn thành niềm vui, hạnh phúc với  Hiến tạo, Giấc kê vàng, Phiến khúc 1, Khúc du tưởng.  Trong Hiến tạo, Trần Trình Lãm dành nhiều cảm xúc cho những người thương yêu trong gia đình-nơi đã làm điểm tựa bình yên cho tâm hồn thơ anh neo đậu suốt mấy chục năm qua đến bây giờ và mãi về sau:  Hẹn em, Con lớn lên tảo tần đời mẹ, Chạm phải Hòa Bắc, Tịnh khúc đêm giao thừa, Chiều nay tôi về một mình...

Có lần tâm sự về nỗi buồn làm thơ, anh nói rằng, anh tâm đắc nhất với đôi câu thơ như tự đáy lòng mình giãi bày lên tất cả: "Thơ là lửa - Ai dính vô rồi cũng chết thiêu". Cái dáng nghệ sĩ phong trần của tác giả đôi khi khiến nhiều bạn văn chơi thân, thường chia sẻ các tác phẩm mới của Trần Trình Lãm phải giật mình. Lãng mạn nhưng khốc liệt. Dấn thân nhưng buông lơi. Khát và sống... Kế cận ngôn ngữ của văn học truyền thống với âm hưởng ca dao, dân ca, đến sự chọn lọc đôi khi khắc nghiệt của anh khi dấn thân và hóa giải trong từng câu thơ cháy gan cháy ruột. Cái chết- sự hiện hữu cuối cùng với anh là "Chết như vậy mới có hồn - Tôi đem câu nói của quỹ sứ xuống địa ngục khoe với đám thi sĩ vừa qua đời- Họ cười thản nhiên - Thơ là lửa - Ai dính vô rồi cũng chết thiêu" (Chết thiêu).

Như tên gọi ấn tượng của tập thơ. Hiến tạo - Người sáng tác nghĩa là người cải hóa cuộc đời và muốn tận hiến cuộc đời và đắm mình trong vẻ đẹp phiêu bồng của ngôn ngữ văn chương. Trong cái say người thơ nhận ra nghệ thuật là một con bài số phận và người có quyền năng sẽ hóa giải được lá bài đó. "Những khuôn mặt lướt qua dè chừng tìm giá cả cuộc chơi sờ mó vào bản ngã - Ta hiến tạo - Những kinh thành tráng lệ phù sanh - Đốm hoa rơi bên cửa giật mình - thu vàng úa rồi kia" (Hiến tạo).

Là một nhà báo làm thơ, Trần Trình Lãm luôn quan sát cuộc sống và nhiều số phận cuộc đời dưới góc nhìn tinh tế của một người làm báo. Bởi vậy, khi sáng tác, sự ngưng đọng của cảm xúc được hiểu thấu đáo và đời hơn. Điều đó đã làm nên một Trần Trình Lãm khác trong văn chương. Ngang qua số phận của cuộc đời, với một người yêu thơ và có trách nhiệm với ngòi bút của mình như Trần Trình Lãm, đây mới là cuộc bắt đầu của một chuyến du hành dài trong văn chương vô tận. Cảm nhận con chữ đôi khi còn thiên lệch trong ranh giới giữa đời thực và nghệ thuật văn chương, nhưng đó là cảm xúc chín thực sự mà Trần Trình Lãm muốn gửi gắm trong Hiến tạo - Tập thơ với những thành công nhất định sẽ góp phần làm phong phú thêm cho văn chương Việt.

                            Đà Nẵng, 12-6-2014

                                    Nguyễn Thị Anh Đào

 (*) Đọc tập thơ Hiến tạo  của Trần Trình Lãm, NXB Hội Nhà  văn năm 2014

 (*): Trích một câu thơ trong bài "Chết thiêu" của Trần Trình Lãm