Báo Công An Đà Nẵng

Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga: Nguy cơ bùng nổ xung đột quy mô lớn

Thứ năm, 26/11/2015 08:57

(Cadn.com.vn) - Người ta đã nói đến nguy cơ bùng nổ Thế chiến thứ III sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga, vụ việc cũng đang gây phức tạp cho tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga đang trở thành tâm điểm trên sân khấu địa chính trị thế giới khi nó có nguy cơ làm leo thang cuộc xung đột vũ trang giữa các nước lớn trên thế giới với hệ quả khôn lường.

Chiến đấu cơ Su-24 tại căn cứ không quân của Nga ở Latakia, Syria. Ảnh: EPA

“SAI LẦM LỚN” CỦA THỔ NHĨ KỲ?

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn đưa ra 2 câu chuyện khác nhau về những gì đã xảy ra với chiến đấu cơ Su-24 của Moscow khi bị Ankara bắn rơi.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ngày 25-11 tiếp tục khẳng định, máy bay Nga bị bắn trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại rơi bên trong lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, Moscow kiên quyết, chiếc Su-24 của họ vẫn bay trong không phận Syria, và cho biết một trong 2 phi công Nga nhảy dù khỏi chiến đấu cơ đã bị các chiến binh ở Syria giết hại dã man. Viên phi công còn lại được quân đội Syria cứu và được đưa đến căn cứ của Nga ở quốc gia Trung Đông này.

Hiện chưa thể xác định liệu máy bay Nga có đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bị bắn hay không nhưng rõ ràng Ankara đang tự chuốc họa vào thân. Chính quyền Damascus hiện đã tố cáo Ankara “xâm phạm trắng trợn chủ quyền Syria” và xem việc Thổ Nhĩ Kỹ bắn rơi máy bay Nga là “động thái hậu thuẫn khủng bố”. Nhiều chuyên gia quân sự cũng cho rằng, Ankara đã hành động “quá mạnh tay”. Ngay cả cựu Cục trưởng Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ Hakki Pekin cũng lên án hành động của chính phủ, cho rằng, đây là “sai lầm lớn” bởi chiếc Su-24 này không đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và không thể hiện ý định thù địch.

Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan vẫn tuyên bố, Ankara không có ý làm leo thang căng thẳng bằng sự cố này mà chỉ đang bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia.

NGA TRẢ ĐŨA  NHƯ THẾ NÀO?

Nga tức giận chỉ trích đây là hành động có chủ đích chưa từng có tiền lệ, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ “đồng lõa với khủng bố” trong khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng”. Tất cả những phản ứng từ Nga khiến giới phân tích cho rằng, Moscow sẽ đáp trả rất mạnh tay.

Trong động thái mới nhất, Nga tuyên bố sẽ củng cố khả năng quân sự ở Syria và cân nhắc trả đũa về kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Điện Kremlin khẳng định sẽ triển khai các hệ thống phòng không công nghệ cao nhất, như S-300, S-400, đến căn cứ không quân Khmeimim ở Syria. “Tôi hy vọng, việc này, cùng với các biện pháp khác, sẽ đủ để đảm bảo an toàn cho các máy bay của chúng ta”, Tổng thống Nga nói với các phóng viên hôm 25-11. Tuyên bố này có thể được xem như là lời cảnh báo rõ ràng của ông chủ Điện Kremlin gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ: “Không được phép bắn rơi bất kỳ chiến đấu cơ nào của Nga nữa”.

Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Ankara có thể sẽ hứng chịu các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Phát biểu tại thành phố Yekaterinburg, ông Medvedev cho biết đang cân nhắc hủy bỏ một số dự án quan trọng chung với Ankara và cho rằng, các Cty Thổ Nhĩ Kỳ ở mọi lĩnh vực có nguy cơ đánh mất thị phần ở Nga. Chỉ trích hành động của Ankara đã làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và NATO, Thủ tướng Medvedev nhắc lại cáo buộc của Tổng thống Putin về việc, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi từ việc bán dầu cho IS - vụ việc mà ông cho rằng dẫn đến kết quả là mối quan hệ lâu dài Nga-Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn bị phá vỡ.

“BÓNG MA” THẾ CHIẾN THỨ III

Hãy nhìn lại những gì mà cuộc nội chiến ở Syria gây ra: chưa đến 2 tuần sau loạt tấn công Paris, một trong những vụ khủng bố tồi tệ nhất trên đất Châu Âu kể từ sau Thế chiến II, một thành viên NATO bắn rơi chiến đấu cơ của Nga trong bối cảnh thủ đô không chính thức của Liên minh Châu Âu – Brussels – vẫn chưa thoát mối đe dọa khủng bố.

Nếu mọi việc như thế này xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh, người ta sẽ giằng co khả năng về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Rất may, nguy cơ này đã qua. Thay vì “quay mã số hạt nhân”, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của HĐBA LHQ trong khi  NATO triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngay trong đêm 24-11. Sau cuộc họp, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, liên minh quân sự 28 quốc gia này “đứng về phía” thành viên Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông lặp đi lặp lại lời kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới “hãy bình tĩnh” trong bối cảnh dấy lên lo ngại về cuộc đụng độ giữa NATO và chiến đấu cơ Nga trên bầu trời Syria và dẫn đến xung đột quân sự quy mô lớn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu xảy ra, đây chỉ là một trong số những hệ quả mới nhất của cuộc xung đột phức tạp nhất thế giới hiện nay ở Syria. Ngay sau loạt tấn công Paris, các ông lớn như Pháp, Mỹ, Nga dường như đang nỗ lực “cùng nhìn về một hướng” để bắt tay chống IS – nhóm chiến binh đang hoành hành ở Syria và Iraq vốn đã nhận trách nhiệm cài bom máy bay chở khách của Nga và tổ chức tấn công Paris.

Dù Moscow tuyên bố “sẵn sàng thiết lập ban tham mưu chung” (với Pháp, Mỹ, với tất cả các nước muốn tham gia, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ) nhằm đối phó với IS, nhưng không thể phủ nhận, hành động của Ankara đang gây phức tạp cho tiến trình này cũng như con đường đi tìm giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Syria.

Khả Anh