Báo Công An Đà Nẵng

Thổ Nhĩ Kỳ chọc giận cả Châu Âu

Thứ ba, 14/03/2017 10:27

(Cadn.com.vn) - Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và  Hà Lan có nguy cơ lan khắp Châu Âu sau khi nhiều quốc gia ở khu vực này không cho phép các chính trị gia của Ankara vận động chính trị tại nước mình.

Ngày 16-4 tới, các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về dự luật sửa đổi Hiến pháp có thể dẫn đến thay đổi cơ cấu chính phủ. Nếu được thông qua, nó sẽ chuyển hệ thống nghị viện quốc gia thành một cơ cấu chính trị thống nhất dưới sự lãnh đạo của tổng thống, và củng cố quyền lực của ba cơ quan lập pháp thành một dưới sự điều hành của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Các nhà phê bình chỉ trích động thái này chống lại dân chủ và cho thấy ông Erdogan đang tiến về hướng cai trị độc tài kể từ vụ đảo chính hồi tháng 7-2016. Ông Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền cáo buộc những người phản đối trưng cầu dân ý đang đứng cùng thuyền với những kẻ lên kế hoạch đảo chính và khủng bố. Ông Erdogan muốn nhận được sự ủng hộ của khoảng 4,6 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Tây Âu trong cuộc trưng cầu sắp tới nên đã cử các bộ trưởng đến các nước này để tổ chức các buổi mít-tinh vận động.

Sau các động thái tương tự tại Đức, Áo và Thụy Sĩ, Hà Lan hôm 11-3 đã cấm máy bay đưa Ngoại trưởngThổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vào nước này.

Những người ủng hộ Tổng thống Erdogan bên ngoài Lãnh sự quán Hà Lan ở Istanbul. Ảnh: CNN

Căng thẳng với Hà Lan

Mối quan hệ Hà Lan-Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng vào ngày 12-3 khi ông Erdogan cáo buộc Hà Lan là tàn dư của chủ nghĩa phát xít, và tuyên bố Amsterdam sẽ phải “trả giá” vì hủy hoại quan hệ giữa hai nước.

Ông Erdogan cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế áp đặt những biện pháp trừng phạt nhằm vào Hà Lan. Ông Erdogan cho rằng Hà Lan đang hành xử như một đất nước có nền chính trị bất ổn, đồng thời chỉ trích các nước Châu Âu đã không lên án cách thức Amsterdam đối xử với các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp chống Hà Lan cho tới khi Amsterdam xin lỗi về vụ tranh cãi ngoại giao này.

Ankara ngày 13-3 đã triệu Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Hà Lan Daan Feddo Huisinga để chính thức phản đối cách hành xử của Hà Lan đối với Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng như phản đối việc Ankara sử dụng lực lượng “không hợp lý” nhằm vào những người biểu tình ở Hà Lan. Theo Ankara, việc Amsterdam hành xử với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan là vi phạm công ước Vienna về nguyên tắc ngoại giao. Ankara cũng yêu cầu nhà chức trách Hà Lan có hành động pháp lý đối với những sai phạm của cảnh sát nước này. 

Mâu thuẫn với Đức

Hà Lan không phải là quốc gia đầu tiên mà ông Erdogan cáo buộc là “chủ nghĩa phát xít”. Đức cũng đã trở thành mục tiêu so sánh với Đức Quốc xã của ông Erdogan sau khi Berlin hủy một loạt các cuộc mít-tinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức có sự tham gia của các quan chức cấp cao Ankara nhằm vận động cho cuộc trưng cầu dân ý. “Những gì chúng ta đã thấy trong hai ngày qua ở Đức và Hà Lan là những phản ánh của thuyết bài Hồi giáo”, ông Erdogan công kích. Thủ tướng Đức Angela Merkel phản ứng gay gắt, cho rằng so sánh như vậy cho thấy sự coi thường các tội ác của Đức quốc xã.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere tuyên bố ông không ủng hộ việc các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị ở Đức.  Ông Maiziere khẳng định có “những giới hạn rõ ràng” nếu các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ muốn vận động những người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư ở Đức. Hôm 10-3, Tòa án Hiến pháp Đức ra phán quyết khẳng định các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không thể viện dẫn quyền hiến định của Đức để tìm cách nhập cảnh nước này vì mục đích chính trị. 

Đan Mạch vào cuộc

Ngày 13-3, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cũng tham gia cuộc chiến ngoại giao giữa Ankara và Amsterdam khi đề nghị người đồng cấp Binali Yildirim của Thổ Nhĩ Kỳ hoãn chuyến thăm Đan Mạch theo kế hoạch sẽ diễn ra trong tháng này. Ông Rasmussen nhấn mạnh: “Với những công kích hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Hà Lan, không thể coi cuộc hội đàm sắp tới là không liên quan gì tới vấn đề đó. Do đó tôi đã đề nghị với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hoãn cuộc gặp đó lại”. 

Chính phủ Đan Mạch đang theo dõi những động thái ở Thổ Nhĩ Kỳ “với sự quan tâm lớn vì các nguyên tắc dân chủ đang phải chịu áp lực đáng kể”, ông Rasmussen cho biết.

An Bình
(Theo CNN, Reuters)