Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp các trường Gulen trên toàn thế giới
(Cadn.com.vn) - Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng cửa hàng trăm trường học trên toàn thế giới vì cho rằng chúng có liên hệ với giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người mà Ankara cáo buộc chỉ đạo vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7, khiến hơn 270 người thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng, các trường này là một phần của chiến lược nhằm làm suy yếu đất nước. Tuy nhiên, học sinh, giáo viên và phụ huynh tại một số nước khẳng định họ không liên quan đến các hoạt động đáng ngờ.
“Tôi nghĩ họ đã sai khi nói chúng tôi là khủng bố”, Chilla, học sinh tại trường trung học Kharisma Bangsa ở thủ đô Jakarta của Indonesia, cho biết. Chilla và các học sinh trong trường phải đối mặt với cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ rằng trường học của họ có liên kết với tổ chức khủng bố. Kharisma Bangsa là một trong 9 trường ở Indonesia mà Ankara muốn đóng cửa vì cho rằng có quan hệ với giáo sĩ Gulen.
Mạng lưới bí mật hay liên kết lỏng lẻo?
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các trường học này là một phần của mạng lưới rộng lớn và bí mật mà phong trào Gulen đã sử dụng để xây dựng một nền tảng quyền lực nhằm xâm nhập vào các tổ chức nhà nước.
Lời cáo buộc này nhắm đến các trường học liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ tại hơn chục quốc gia, từ Đức tới Afghanistan, khiến hàng nghìn học sinh cảm thấy lo lắng về việc học của họ. Những người ủng hộ nói rằng, các trường này chỉ là một liên kết lỏng lẻo của các tổ chức cùng chia sẻ những giá trị chung và cam kết học tập xuất sắc. Các cuộc phỏng vấn của BBC tại 10 quốc gia ở 3 châu lục cho thấy, các trường học này có nhiều điểm chung nhưng hoạt động khá khác nhau.
Cựu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul dự lễ thành lập trường Gulen tại Nairobi, Kenya năm 2009. Ảnh: BBC |
Trường Gulen là gì?
Các trường Gulen đã tồn tại ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1970 và mở rộng thành một hiện tượng toàn cầu trong 20 năm qua sau khi giáo sĩ Gulen trở nên thân thiết với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Bằng cách dạy tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và thúc đẩy nền văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, các trường học này giúp củng cố vị trí và sức ảnh hưởng của Ankara trên khắp khu vực Liên Xô cũ, vùng Viễn Đông và Châu Phi.
Thổ Nhĩ Kỳ phát lệnh bắt thêm 121 người Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27-9 đã phát lệnh bắt giữ 121 người như một phần trong cuộc điều tra liên quan tới vụ đảo chính bất thành hôm 15-7. Theo hãng thông tấn Anadolu, trong số những người bị phát lệnh bắt lần này có các lãnh đạo của một quỹ từ thiện có quan hệ với phong trào của giáo sĩ Gulen. Hiện cảnh sát đang triển khai các chiến dịch truy bắt những đối tượng trên tại 18 thành phố. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hàng ngàn người, cách chức hoặc đình chỉ công tác hàng chục ngàn người vì bị cáo buộc dính líu tới vụ việc trên. Bảo Ngân |
Năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư 6,2 tỷ USD để xây các trường ở Châu Phi. Somalia nhận được viện trợ và đầu tư nhiều nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ, với 3 trường Gulen giảng dạy cho hơn 1.000 học sinh.
Các trường Gulen chú trọng xây dựng tính cách, đạo đức và kỷ luật cho học sinh. Ngoài ra, trường còn tập trung giảng dạy khoa học. “Các em học mỗi ngày cho đến 15 giờ, sau đó tham gia các lớp học thêm, các câu lạc bộ, và làm bài tập về nhà. Lúc 21 giờ, tất cả đều ngồi uống trà, và lúc 22 giờ, chúng đi ngủ”, Baktigul, có con gái đang học tại một trường Thổ Nhĩ Kỳ tại Kyrgyzstan cho biết. Maxim Urazaev, đã tốt nghiệp từ một trường Gulen tại thành phố Kazan, Nga năm 2009, cho biết, kỷ luật tại trường còn “khó hơn trong quân đội”.
Thế tục hay tôn giáo?
Các trường tuyên bố hoạt động theo chủ nghĩa thế tục, thúc đẩy sự khoan dung và đối thoại. “Trong 5 năm học ở trường, tôi chưa một lần nhìn thấy kinh Koran hay một quyển Kinh Thánh”, Maxim Urazaev, ở Kazan, cho biết. Tuy nhiên, ở Nga và nhiều nơi khác, trường bị cáo buộc lập các nhóm nghiên cứu tôn giáo bí mật. Nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang nghi ngờ về hoạt động tôn giáo ngoài tầm kiểm soát của các trường Gulen. Một cựu giáo viên ở Tatarstan bác bỏ cáo buộc về “các cuộc gặp bí mật” nhưng cho biết, học sinh có thể cầu nguyện với giáo viên và nói chuyện với họ về tôn giáo.
An Bình
(Theo BBC)