Báo Công An Đà Nẵng

Thổ Nhĩ Kỳ - EU có thể "đường ai nấy đi"

Thứ hai, 18/09/2023 08:33
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại Istanbul ngày 15-9. Ảnh: AFP

"EU đang cố xa cách Thổ Nhĩ Kỳ"

Theo Reuters, Báo cáo thường niên của Nghị viện châu Âu (EP) về quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ, được thông qua vào đầu tuần này với 434 phiếu ủng hộ, 18 phiếu chống và 152 phiếu trắng, tuyên bố rằng "trừ khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi hoàn toàn đường hướng, quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp tục trong hoàn cảnh hiện tại". EP cũng kêu gọi EU tìm kiếm một khuôn khổ thực tế hơn cho mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu tại Istanbul ngày 16-9, ngay trước chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố "Liên minh châu Âu (EU) đang cố xa cách Thổ Nhĩ Kỳ". Ông nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ đưa ra đánh giá về những diễn biến này và nếu cần thiết, chúng tôi có thể chia tay EU".

Trước đó, chính quyền Ankara đã chỉ trích báo cáo của Nghị viện châu Âu về Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng tài liệu này "chứa đầy những cáo buộc không công bằng và thành kiến dựa trên thông tin sai lệch từ lực lượng chống Thổ Nhĩ Kỳ". Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng báo cáo được thông qua vào thời điểm cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và an ninh của lục địa và "khi cánh cửa cơ hội đã mở ra để khôi phục quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, Nghị viện châu Âu lại đưa ra một chương trình nghị sự khác thay vì đàm phán về các vấn đề liên quan (Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU)". Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh nước này có tiềm năng đưa EU trở thành một thế lực toàn cầu trước mọi thách thức hiện có, chủ yếu trong các lĩnh vực an ninh, năng lượng, biến đổi khí hậu và kinh tế. Để nhận ra những thực tế này, cần phải có cách tiếp cận hướng tới tương lai, không bị ảnh hưởng bởi lợi ích hạn hẹp của một số nhóm nhất định.

Vì sao EU không muốn kết nạp Thổ Nhĩ kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập EU lần đầu tiên năm 1987. Quá trình đàm phán về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu năm 2005, khi ông Erdogan còn là thủ tướng, nhưng đạt ít tiến triển. Vấn đề Istanbul gia nhập khối vẫn bị đưa đi đẩy lại trên bàn nghị sự của EU. Trong lúc đó hầu hết các nước như Ba Lan, Hungary, Bungari, Czech, Slovakia, Latvia, Liva, Estonia... đều đã là thành viên của EU.

Quá trình đàm phán đóng băng sau đó, quan hệ giữa hai bên dần xấu đi, đặc biệt là từ cuộc đảo chính bất thành của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Quan hệ Ankara - Brussels dần cải thiện khi EU dựa nhiều hơn vào Thổ Nhĩ Kỳ để ứng phó cuộc khủng hoảng nhập cư. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về tư cách thành viên đã bị đình trệ trong những năm gần đây do lo ngại của Liên minh châu Âu về tình trạng vi phạm nhân quyền và tôn trọng pháp quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan trước đó đã nhận được cam kết từ Brussels về việc khôi phục quá trình đàm phán gia nhập EU sau khi Thổ Nhĩ Kỳ "bật đèn xanh" ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Dana Spinant khi đó nói việc mở rộng NATO và EU là "các vấn đề khác nhau" và không thể liên kết hai quy trình này. Đầu tháng 9 này, quan chức phụ trách việc mở rộng của EU Oliver Varhelyi đã tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Ankara, ông Varhelyi nói rằng mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có "tiềm năng to lớn" để trở thành thành viên liên minh, EU cần phải nhìn thấy nước này giải quyết các vấn đề nhân quyền trước khi việc đàm phán tiếp tục diễn ra.

AN BÌNH