Báo Công An Đà Nẵng

Thổ Nhĩ Kỳ loay hoay thoát khủng hoảng tiền tệ

Thứ ba, 14/08/2018 13:09

Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13-8 công bố loạt biện pháp nhằm giải phóng tiền mặt cho các ngân hàng trong bối cảnh đất nước đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tiền tệ vì những lo ngại về chính sách kinh tế của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng như những tranh chấp thương mại và ngoại giao với Mỹ.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đang giảm giá kỷ lục so với đồng USD.   Ảnh: CNN

Đồng lira “tụt dốc không phanh”

Từ đầu năm đến nay, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá hơn 45%, chủ yếu do lo ngại về ảnh hưởng của Tổng thống Erdogan đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, việc ông Erdogan liên tục kêu gọi giữ lãi suất thấp dù lạm phát tăng cao, và mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Ankara với Mỹ.

Trong phiên giao dịch ngày 10-8, đồng lira có lúc rớt 18%, mức giảm mạnh nhất trong một phiên giao dịch của đồng tiền này kể từ năm 2001. Đồng lira giảm mạnh trong tuần qua và giảm thêm 7% vào ngày 13-8 sau khi các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong việc khôi phục lại niềm tin của các nhà đầu tư. Đồng lira đạt mức thấp kỷ lục  7,23/1USD vào cuối ngày 12-8. Sự mất giá của đồng lira làm xáo trộn thị trường toàn cầu. Cổ phiếu của các ngân hàng Châu Âu chịu áp lực nhiều nhất. Hôm 13-8, chứng khoán giảm 2% tại Tokyo và hơn 1% tại Hồng Kông.

Đồng lira phục hồi về ngưỡng 6,8603/1 USD sau khi Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak, con rể Tổng thống Erdogan - cho biết vào cuối ngày 12-8 rằng, chính phủ sẵn sàng “kế hoạch hành động” giảm bớt lo ngại thị trường. “Từ sáng 13-8  trở đi, các cơ quan của chúng tôi sẽ có các biện pháp cần thiết và sẽ chia sẻ các tuyên bố với thị trường”, ông Albayrak nói, nhưng không nêu cụ thể các biện pháp là gì. Ông Albayrak cũng cho biết, chính phủ Ankara đã chuẩn bị một kế hoạch cho các ngân hàng và doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn trong nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến động tỷ giá. “Chúng tôi sẽ có các biện pháp cần thiết đối với các ngân hàng và sẽ gấp rút thực thi”, ông cho biết. Ông Albayrak cũng phủ nhận những đồn đoán, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể can thiệp vào tài khoản USD trong các ngân hàng. Ông khẳng định sẽ không có chuyện chiếm giữ hay chuyển đổi tiền gửi trong các tài khoản USD sang đồng lira.

Ngày 13-8, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẵn sàng áp dụng “mọi biện pháp cần thiết” đảm bảo sự ổn định tài chính sau sự sụt giá của đồng lira, đồng thời cam kết đảm bảo thanh khoản cần thiết cho các ngân hàng. Thông báo nêu rõ: “Ngân hàng Trung ương sẽ giám sát chặt chẽ tình hình thị trường, cũng như áp dụng mọi biện pháp cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính nếu cảm thấy cần thiết”, đồng thời cam kết cung cấp “mọi khả năng thanh toán bằng tiền mặt mà các ngân hàng cần”. Động thái này giúp bôi trơn hệ thống tài chính, giảm bớt lo ngại cho các ngân hàng và giúp họ tiếp tục cung cấp các khoản vay cho người dân và doanh nghiệp.

Không nhượng bộ

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan, trong loạt các bài phát biểu trong tuần, cho thấy không muốn xuống nước trong cuộc tranh cãi với Mỹ, một đồng minh của NATO.

Ông Erdogan loại trừ khả năng tăng lãi suất, điều mà các nhà kinh tế cho là cần thiết để ổn định tiền tệ. Ông đe dọa tìm kiếm thêm các liên minh và đối tác mới đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp quyết liệt hơn nếu các doanh nghiệp rút ngoại tệ từ các ngân hàng. “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ. Nếu bạn tấn công chúng tôi bằng USD thì chúng tôi sẽ tìm cách khác để kinh doanh”, ông Erdogan phát biểu hôm 12-8.

Các nhà kinh tế cảnh báo, nếu niềm tin không được phục hồi nhanh chóng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể lảo đảo và rơi vào cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ đòi hỏi một gói cứu trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). “Các nhà đầu tư lo ngại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hành động hoặc cho phép Ngân hàng trung ương hành động để vực dậy đồng tiền, và lo ngại rằng việc này có thể dẫn đến khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng của nước này”, William Jackson, nhà kinh tế học tại Cty nghiên cứu Capital Economics, nhận định.

Đồng lira giảm mạnh so với đồng USD khiến các Cty Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn hơn trong việc trả các khoản vay của Mỹ. Trong khi đó, Washington đang lợi dụng sự khủng hoảng của đồng lira để gây áp lực lên Ankara trong vụ giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Ông Brunson bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 20 tháng, đang bị nước này xét xử vì các tội danh liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Vị mục sư bị Ankara cáo buộc hậu thuẫn một nhóm đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016 - cáo buộc mà ông Brunson bác bỏ. Đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ việc này, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên hai bộ trưởng ở Ankara. Cuối tuần qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi thuế áp lên thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.                                    

AN BÌNH