Báo Công An Đà Nẵng

Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đối mặt "thảm họa thứ hai" sau động đất

Thứ bảy, 11/02/2023 09:44
Người dân ngồi quanh đống lửa để sưởi ấm giữa những tòa nhà bị sập do động đất ở thành phố Kahramanmara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8-2. Ảnh: AFP

Cảnh báo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hôm 9-2 nhấn mạnh thời tiết lạnh giá và tuyết rơi càng khiến "tình hình càng trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn". "Nhiều người sống sót đang phải sống ngoài trời trong những điều kiện ngày càng khủng khiếp và tồi tệ. "Nguồn cung nước, nhiên liệu, điện, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Chúng ta nguy cơ phải đối mặt một thảm họa thứ hai, có thể ảnh hưởng nhiều người hơn cả thảm họa ban đầu", CNN dẫn lời ông Robert Holden, Giám đốc ứng phó động đất của WHO phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva.

Thách thức đối với những người sống sót ở các khu vực chịu tác động của trận động đất mạnh 7,8 độ richter vào đầu tuần này xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria càng gia tăng, khi mà nhiệt độ trong vùng đang lạnh hơn so với bình thường mọi năm. Tại thành phố Aleppo, Syria, nhiệt độ cuối tuần này được dự báo sẽ xuống mức - 2 hoặc -3 độ C. Nhiệt độ thấp nhất tháng 2 ở khu vực này vốn thường là 2,5 độ C.

Tình hình Syria gây lo ngại bởi xung đột kéo dài suốt nhiều năm và cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại quốc gia này khiến nỗ lực cứu hộ sau động đất càng khó khăn hơn. Phải mất ba ngày (tới ngày 9-2), đoàn xe viện trợ của Liên Hợp Quốc mới di chuyển được từ Thổ Nhĩ Kỳ đến các khu vực phe đối lập kiểm soát ở miền bắc Syria, qua cửa khẩu Bab al-Hawa. Một quan chức cứu trợ cấp cao cho biết nỗ lực giúp đỡ các khu vực bị ảnh hưởng do động đất ở Syria đang "cực kỳ khó khăn", do các tuyến đường dọc biên giới đã bị phá hủy, và còn nằm trong vùng xung đột giữa quân đội chính phủ Syria và các nhóm đối lập. Trên thực tế, cuộc sống của hàng triệu người sống ở các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập ở phía bắc Syria vốn đã rất khó khăn do tác động của nghèo đói và dịch tả trước khi động đất xuất hiện. Giờ đây, họ không còn cách nào khác là phải nghĩ cách tự cứu mình và những người xung quanh.

Tại cửa khẩu biên giới Bab Al-Hawa của Syria, tình nguyện viên y tế Obaida Rannoush nói với Đài Al Jazeera: "Hơn 60 giờ sau khi động đất xảy ra, vẫn còn hàng trăm người bên dưới đống đổ nát. Chúng tôi không thể giải cứu họ với nguồn lực ít ỏi. Chúng tôi cần máy móc hạng nặng, viện trợ nhân đạo và y tế". Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc cũng thừa nhận nước này thiếu năng lực và trang thiết bị đối phó với thảm họa, một phần do cuộc nội chiến kéo dài hơn 10 năm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ có phần khả quan hơn khi hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế đã nhanh chóng điều động các nhóm cứu hộ tới tiếp cận hiện trường, và thực hiện phân phát hàng cứu trợ sau thảm kịch động đất. Tuy nhiên, trong chuyến thị sát vùng thảm họa hôm 9-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thừa nhận chính phủ không phản ứng kịp khi thảm họa mới xảy ra do thiếu thốn về nhân lực. Việc thiếu lực lượng cứu hộ giải cứu người bị mắc kẹt xảy ra ở nhiều nới. "Chúng tôi cố gắng tự dọn dẹp đống đổ nát nhưng chỉ có sức của chúng tôi thì không đủ", bà Serap Arslan, người dân ở TP Antakya, nói với AP và cho biết mẹ, anh trai bà cùng nhiều hàng xóm vẫn đang ở dưới đống đổ nát gần đó, đến hôm 9-2 mới bắt đầu có máy móc đến di chuyển các khối bê-tông nặng.

Một người đàn ông đứng giữa những ngôi mộ của các nạn nhân động đất tại một nghĩa trang ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 9-2. Ảnh: Reuters

Theo Cơ quan quản lý thảm họa và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) ước tính đến nay trên 28.000 người bị mất nhà cửa đã được đưa ra khỏi khu vực động đất, trong đó gần 5.000 người di chuyển bằng đường bộ và trên 23.000 người bằng đường hàng không. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Chính phủ đang làm tất cả những gì có thể để cung cấp chỗ ở tạm thời cho những người sống sót muốn được tái định cư. Ông cho biết đến nay 5.729 người đã được bố trí ở trong các nhà khách chính phủ, ký túc xá sinh viên và khách sạn, trong khi 11.165 người đã được bố trí tạm trú trong các khách sạn ở khu nghỉ mát Antalya.

Ngoài các đội tìm kiếm cứu nạn mà nhiều quốc gia đã gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết có 77 đội cấp cứu quốc gia và 13 đội cấp cứu quốc tế đang được triển khai tới cả 2 quốc gia, gồm những người được đào tạo đặc biệt để ứng phó tình huống khẩn cấp. WHO cũng giải ngân 3 triệu USD từ quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp. Ngân hàng Thế giới hứa cung cấp 1,78 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ cứu trợ và phục hồi. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ thêm tiền để cứu trợ động đất và tuyên bố một hội nghị các nhà tài trợ vào tuần tới.

Tính đến chiều 10-2 (giờ Việt Nam), số người thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 21.500 người. Theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 18.342 người đã thiệt mạng tại nước này - vượt qua con số tử vong do trận động đất kinh hoàng năm 1999. Trong khi đó, ít nhất 3.377 người đã thiệt mạng tại Syria.

AN BÌNH