Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường tấn công PKK
(Cadn.com.vn) - Ngay cả khi Ankara và nhóm Hồi giáo cực đoan IS leo thang xung đột, nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn xem các phiến quân thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) là mối đe dọa lớn hơn rất nhiều.
Bắt đầu từ nửa đêm 28-7 (sáng 29-7, giờ Việt Nam), Thổ Nhĩ Kỳ mở các cuộc tấn công mạnh mẽ nhất nhằm vào các chiến binh PKK, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố, một tiến trình hòa bình với nhóm này là “điều không thể”.
Máy bay chiến đấu tại căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, chờ lệnh xuất phát. Ảnh: AFP |
Chiến dịch tấn công lớn nhất
Reuters dẫn lời các quan chức nước này cho biết, các máy bay chiến đấu F-16 nhắm trúng 6 mục tiêu PKK ở Iraq và căn cứ ở tỉnh Diyarbakir thuộc miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
“Các cuộc không kích đêm qua nằm trong chiến dịch tấn công lớn nhất kể từ khi chiến dịch bắt đầu từ tuần trước”, một quan chức giấu tên nói. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu không kích PKK ở miền bắc Iraq từ hôm 24-7, trong hoạt động mà Ankara mô tả là phản ứng cần thiết trước loạt các vụ tấn công của các phiến quân này nhằm vào lực lượng cảnh sát và binh sĩ của nước này. Chiến dịch tấn công xảy ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chính thức ký kết thỏa thuận với Mỹ để cho phép liên minh quân sự do Washington đứng đầu sử dụng căn cứ không quân Incirlik tấn công IS. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ liên quan đến cuộc chiến chống IS chứ không bao gồm việc hỗ trợ trên không cho các chiến binh người Kurd ở miền bắc Syria.
Từ PKK đến IS
Các cuộc xung đột leo thang nhanh chóng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS – cuộc đối đầu mà cả hai đều muốn tránh trong bối cảnh nỗ lực theo đuổi các mục tiêu ưu tiên hơn trong cuộc nội chiến Syria - nhanh chóng lộ lỗ hổng tương ứng.
Đối với Ankara, việc tham gia vào liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS, cho phép máy bay chiến đấu của Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik, và thực hiện các cuộc không kích chống lại các mục tiêu IS... không chỉ đánh dấu một sự thay đổi trong chính sách quân sự của họ mà còn khiến khu vực biên giới với Iraq và Syria rơi vào vòng nguy hiểm. Đối với IS, những cuộc không kích của liên quân khiến con đường quan trọng tuyển dụng chiến binh nước ngoài bị chặn lại.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là cuộc xung đột này làm nổi bật mối quan tâm chung của Thổ Nhĩ Kỳ là an ninh đất nước đang bị đe dọa chủ yếu bởi PKK chứ không phải IS. Trong số hàng trăm kẻ khủng bố tấn công Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây, hầu hết là ủng hộ PKK.
Mối lo tuyển binh
Lợi dụng chính sách mở cửa gây tranh cãi của Ankara với Damascus, IS tìm cách tuyển mộ chiến binh từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Ankara nhìn thấy sự hiện diện của hơn 1,8 triệu người tị nạn Syria trên lãnh thổ của họ như là trách nhiệm an ninh lâu dài. Mối lo ngại càng tăng khi hồi tháng trước, hàng ngàn người tị nạn Syria tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi IS bị đánh bại ở Tel Abyad, thị trấn biên giới Syria nối liền thành trì Raqqa của IS ở đến Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại của thế giới. Hàng chục tay súng IS lợi dụng tình huống này để vào Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi không biết có bao nhiêu trong số họ ủng hộ IS hay họ chính là chiến binh IS”, chính trị gia Turkish Hursit Gunes, người chỉ trích gay gắt chính sách mở cửa của Ankara bày tỏ lo lắng.
Không có con số chính thức có công dân Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập hàng ngũ IS. Tháng 11-2014, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết, 600 người Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu cho IS ở Syria và Iraq. Nhưng một nhà báo ủng hộ chính phủ hồi tháng 6 đưa ra con số cao hơn rất nhiều – 7.000 người. IS bị tình nghi đứng sau các cuộc tấn công kinh hoàng gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lo sợ khủng bố người Kurd nhiều hơn IS.
Khả Anh
IS tuyển dụng tân binh từ hơn 100 quốc gia Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), Alexander Bortnikov ngày 29-7 cho biết, nhóm IS tuyển dụng tân dụng từ hơn 100 quốc gia, tạo ra mối đe dọa lâu dài đối với sự ổn định toàn cầu. AP dẫn lời ông Bortnikov cho biết, mục tiêu của IS là thiết lập mạng lưới toàn cầu có thể phá hoại an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của những quốc gia có chiến binh được tuyển dụng. Theo ông, nhóm Hồi giáo cực đoan này chủ yếu tập trung vào giới trẻ. |