Báo Công An Đà Nẵng

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chọc giận Nga với việc ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

Thứ tư, 12/07/2023 08:26
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) chủ trì cuộc họp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 10-7. Ảnh: Reuters

“Bước tiến lớn”

"Tôi vui mừng khi được thông báo rằng Tổng thống Erdogan đã đồng ý chuyển lên quốc hội thư xin gia nhập của Thụy Điển sớm nhất có thể, và làm việc chặt chẽ với quốc hội để đảm bảo quá trình phê chuẩn", ông Stoltenberg nói trong cuộc họp báo tại thủ đô Vilnius (Lithuania) ngày 10-7, sau cuộc gặp với Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Động thái này được coi là dỡ bỏ rào cản cuối cùng đối với Thụy Điển trong việc gia nhập NATO. "Đây là bước đi lịch sử, giúp tất cả các đồng minh NATO mạnh mẽ và an toàn hơn", ông Stoltenberg cho biết.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ "rất vui" khi đạt được thỏa thuận để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO. Phát biểu với báo giới trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Kristersson nhấn mạnh "đã đạt được một bước rất lớn tiến tới việc phê chuẩn chính thức Thụy Điển gia nhập NATO”. Theo Thủ tướng Thụy Điển Kristersson, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan "cam kết xúc tiến việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO sớm nhất có thể”. Ông cũng cho biết hai nước tiếp tục nỗ lực chung chống tội phạm có tổ chức và khủng bố, cũng như nhất trí tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, ông Erdogan cũng yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) khôi phục tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này, coi đây là điều kiện tiên quyết để Thụy Điển gia nhập NATO. Theo Thủ tướng Kristersson, Thụy Điển ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, song không cam kết bất cứ điều gì ngoài tuyên bố chung nói trên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. "Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường năng lực phòng thủ và răn đe ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương", ông Biden nói "Tôi mong được chào đón Thủ tướng Kristersson và Thụy Điển với tư cách là thành viên NATO thứ 32".

Cùng ngày, Chính quyền Mỹ tuyên bố Washington ủng hộ nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, song không cho rằng Ankara nên gắn điều này với việc chấp nhận cho Thụy Điển gia nhập NATO. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller nhấn mạnh: “Mỹ đã ủng hộ nguyện vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng đây sẽ là trở ngại đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO”. Ông chỉ rõ Mỹ không có vai trò gì trong các quyết định của EU về tư cách thành viên của khối và khẳng định: "Cuối cùng, đó là vấn đề giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông Miller khẳng định việc mở rộng NATO để bao gồm cả Thụy Điển có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ. Theo ông Miller, Thụy Điển đã đáp ứng các yêu cầu của Ankara để được nước này chấp thuận cho gia nhập NATO.

Nga giận dữ

Những động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải phản ứng mạnh của Nga. "Đáng tiếc là chỉ trong vòng vài tuần Thổ Nhĩ Kỳ đã dần chuyển từ một nước trung lập sang một quốc gia không thân thiện", Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga, nói với hãng tin TASS.

Quan chức này nêu ra một loạt động thái bị cho là "khiêu khích" của Thổ Nhĩ Kỳ như ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO, trả tự do cho các chỉ huy tiểu đoàn Azovstal của Ukraine bất chấp thỏa thuận rằng những người này phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi xung đột kết thúc. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. "Hành động đó không khác một cú đâm sau lưng", ông Bondarev nói và cũng cho rằng các động thái này của Ankara là do sức ép từ NATO. Theo ông Bondarev, lý do duy nhất NATO cần Thổ Nhĩ Kỳ là "kiểm soát eo Biển Đen, ổn định hoặc gây bất ổn khu vực Trung Đông". Ông Bondarev hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc rời NATO và lập liên minh với Nga.

Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên nóng trên truyền thông Nga. Ngày 10-7, khi được hỏi về việc Thổ Nhĩ kỳ phóng thích tù nhân Azov, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói rằng Ankara có quyền phát triển quan hệ với Ukraine nhưng hy vọng mối quan hệ đó không trở thành đối đầu với Moscow.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. "Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev chỉ có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực", Bộ Ngoại giao Nga cho biết sau cuộc nói chuyện giữa ông Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, trong đó cũng nhắc đến vụ phóng thích tù nhân.

Cũng trong ngày 10-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn nói rằng ông hy vọng người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ đến thăm vào tháng 8-2023 để thảo luận về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, Điện Kremlin nói rằng hai nhà lãnh đạo đã không nói chuyện dạo gần đây.

AN BÌNH