Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trấn áp mạnh tay hậu đảo chính
(Cadn.com.vn) - Cùng với việc tiếp tục bắt giữ các sĩ quan quân đội đứng sau vụ đảo chính hôm 15-7, chính phủ của Tổng thống Recep Erdogan ngày 18-7 quyết định sa thải 8.000 cảnh sát trên khắp cả nước, kể cả ở thành phố Istanbul và thủ đô Ankara, do nghi ngờ có liên quan đến âm mưu đảo chính lần này. Động thái này của ông Erdogan làm dấy lên lo ngại về một chiến dịch “tìm diệt” của chính phủ nhằm vào nhóm đảo chính.
CNN dẫn nguồn tin từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18-7 cho biết, cho đến nay, tổng cộng 103 tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao đã bị bắt giữ sau khi xảy ra âm mưu đảo chính bất thành hôm 15-7. Theo hãng tin Anadolu, những nhân vật quân sự hàng đầu đã bị bắt trong các cuộc truy quét trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây dường như là cuộc thanh lọc quy mô lớn nhằm vào các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đến nay, hơn 6.000 người đã bị bắt giữ nhằm phục vụ công tác điều tra. Lực lượng an ninh vẫn đang truy lùng một số binh sĩ tham gia vào vụ đảo chính ở nhiều thành phố và vùng nông thôn khác nhau. Ngoài ra, Tổng thống Erdogan cũng đã sa thải 8.000 cảnh sát trên khắp cả nước do nghi ngờ có liên quan đến âm mưu đảo chính này.
Những sĩ quan quân đội liên quan âm mưu đảo chính bị dẫn giải đến Tòa án ở Ankara hôm 18-7. Ảnh: Reuters |
Án tử hình cho nhóm đảo chính?
Trong ngày 18-7, có đến 27 sĩ quan quân đội cấp cao bị buộc tội chủ mưu đảo chính xuất hiện tại tòa án ở thủ đô Ankara trong bối cảnh Tổng thống Erdogan không loại trừ tuyên án tử hình đối với nhóm đảo chính chủ chốt này.
CNN dẫn hình ảnh từ Đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, ông Akin Ozturk, vị tướng 4 sao và là cựu chỉ huy lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nhiều người khác bị Tổng thống Erdogan buộc tội chủ mưu đảo chính đang bị giam giữ tại Ankara. Cuối tuần qua, hình ảnh xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy chiến dịch bắt giữ quy mô lớn những người bị nghi liên quan đến đảo chính, trong đó có hình ảnh hàng chục người quỳ trong một lán trại ở Ankara, bị lột gần hết đồ đạc trên người.
Hiện giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng áp đặt lại lệnh tình trạng khẩn cấp ở thành phố Istanbul và triển khai thêm 1.800 binh sĩ thuộc các lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đến địa điểm này. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát được lệnh bắn hạ những máy bay trực thăng hoạt động trái phép trong vùng trời Istanbul. Diễn biến khá bất ngờ hơn là việc đại tá Ali Yazici, phụ tá quân sự cấp cao của Tổng thống Erdogan cũng bị bắt giữ sau khi nhà lãnh đạo này khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch trấn áp hậu đảo chính.
Phát biểu trước những người ủng hộ hôm 18-7 ở Ankara, ông tiếp tục nhấn mạnh “không thể phớt lờ” lời kêu gọi của những người ủng hộ về việc thực thi án tử tình đối với những nhân vật âm mưu đảo chính. Tuyên bố tái khẳng định này cho thấy, khả năng nhóm đảo chính sẽ bị tử hình là rất cao.
Các nước lo ngại
Những hoạt động mạnh tay trong “chiến dịch dọn dẹp” hậu đảo chính của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 18-7, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ phải bảo vệ nguyên tắc pháp luật sau vụ đảo chính bất thành. “Nguyên tắc pháp luật cần phải được bảo vệ ở Thổ Nhĩ Kỳ, không có lý do gì có thể đưa đất nước xa rời nguyên tắc đó”, bà Mogherini nói trước báo giới khi đặt chân đến Brussels, Bỉ tham dự cuộc họp với các ngoại trưởng EU. Ngoại trưởng các nước EU cũng hối thúc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng luật pháp và nhân quyền trong việc xử lý những đối tượng âm mưu đảo chính. Ở trong nước, đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) - đảng bị chính phủ ông Erdogan coi là một bình phong chính trị của đảng Công nhân người Kurd (PKK), cho biết sẽ không ủng hộ bất cứ đề xuất nào trình lên Quốc hội nhằm tái áp đặt án tử hình sau khi âm mưu đảo chính ở nước này thất bại.
Thách thức đặt ra cho chính quyền Ankara càng lớn hơn khi trang mạng WikiLeaks cho biết họ đang lên kế hoạch công bố những tài liệu về cơ cấu quyền lực chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định “đã sẵn sàng cho một cuộc chiến”.
Khả Anh