Báo Công An Đà Nẵng

Thổ Nhĩ Kỳ – 1 năm sau đảo chính bất thành

Thứ hai, 17/07/2017 10:23

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-7, hàng chục ngàn người ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống đường tuần hành kỷ niệm tròn 1 năm vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Erdogan. Trong suốt một năm qua, sự kiện này đã có những tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Một năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được đặt trong tình trạng an ninh khẩn cấp, nền chính trị bị chia rẽ, trong khi các mối quan hệ đối ngoại cũng chịu tác động không nhỏ.

Người dân tuần hành ở Istanbul nhân dịp 1 năm ngày đảo chính bất thành.   Ảnh: AFP

Tổng thống Erdogan dọa “chặt đầu những kẻ phản bội”

Tại Istanbul, thành phố lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng ngàn người tuần hành qua các tuyến phố hướng về cầu Bosporus, nơi 1 năm trước đã diễn ra cuộc đối đầu căng thẳng giữa những binh sĩ nổi loạn với những người ủng hộ Tổng thống Erdogan. Họ vẫy cờ, nhiều người thậm chí hô vang: “Chúng tôi là chiến binh của Tổng thống Erdogan”.

Trong bài phát biểu nhân dịp này, Tổng thống Erdogan khẳng định sẽ đánh bại các âm mưu khủng bố, cũng như thế lực đứng sau. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta hiểu rõ rằng, có nhiều tổ chức khủng bố không đơn thuần như những gì chúng ta đang thấy, mà còn nhiều mạng lưới và thế lực đứng đằng sau chúng. Chúng tôi biết rõ ai đứng đằng sau các nhóm khủng bố này. Tuy nhiên để nắm được phần gốc, chúng ta trước tiên cần phải cắt dần phần ngọn của chúng”.

Ông Erdogan khẳng định tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh đất nước:  “Chúng ta nên làm gì với tất cả những điều đã xảy ra: dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, điều  này chắc chắn sẽ chưa thể làm được lúc này. Bởi có những thế lực đang tìm cách kiểm soát lực lượng vũ trang của chúng ta khi tìm cách xâm nhập vào các cơ quan, bộ ngành. Lệnh tình trạng khẩn cấp chỉ kết thúc khi bộ máy nhà nước hoàn toàn được thanh lọc”

Tống thống Erdogan đe dọa chặt đầu “những kẻ phản bội”. Tổng thống Erdogan cũng tái khẳng định sẽ phê chuẩn nếu Quốc hội thông qua dự luật về việc khôi phục án tử hình.

Những con số “đầy rối ren”

1 năm trước, một nhóm binh sĩ quân đội đã triển khai xe tăng, máy bay chiến đấu tại thành phố Istabul và thủ đô Ankara nhằm lật đổ chính quyền nhưng thất bại.

Khoảng 250 người thiệt mạng trong đêm 15-7-2016. Tính đến nay, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ khoảng 50.000 người tình nghi liên quan và sa thải 150.000 người khác trong đó có nhiều viên chức, cảnh sát, giáo viên, binh lính... với cáo buộc liên hệ với các tổ chức khủng bố. Đa số những người này bị nghi có liên quan tới mạng lưới ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ, bị Thổ Nhĩ Kỳ cho là đứng sau âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, giáo sĩ này nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.

Một ngày trước thời điểm 1 năm xảy ra đảo chính bất thành, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sa thải thêm 7.000 cảnh sát, binh sĩ và quan chức, với cáo buộc liên quan đến mạng lưới đứng sau vụ đảo chính. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ còn tước quân hàm đối với 342 quân nhân đã nghỉ hưu. Tất cả những con số này phần nào cho thấy mức độ rối ren hiện nay trong bức tranh chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính hồi năm ngoái.

Vẫn còn nhiều bí ẩn

Đến nay, câu hỏi ai đứng sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một bí ẩn lớn. Ankara cáo buộc tội cho giáo sĩ lưu vong Gulen. Tuy nhiên, Ankara không đưa ra được bằng chứng nào cho cáo buộc này. Trong khi đó, giáo sĩ Gulen bác bỏ cáo buộc, đồng thời “tố” ngược chính phủ của Tổng thống Erdogan “dàn dựng” vụ đảo chính.

Vào ngày xảy ra đảo chính, Tổng thống Erdogan đang nghỉ tại một khách sạn ở thành phố Marmaris, ven Địa Trung Hải. Tuy nhiên, ông đã kịp rời đi khoảng 1 giờ trước khi binh sĩ nổi loạn đột kích vào đây. Ông Erdogan sau đó cho biết, ông kịp rời đi do nhận được thông tin tình báo. Các nguồn tin nói rằng, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) nhận được thông tin tình báo về cuộc đảo chính lúc 14 giờ 45 từ một phi công. Tuy nhiên, phải đến 18 giờ 30 cùng ngày, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu hành động để ngăn chặn đảo chính. Câu hỏi được đặt ra là  tại sao quân đội nước này phải chờ vài tiếng đồng hồ mới hành động.

AN BÌNH