Báo Công An Đà Nẵng

Thơ viết ở Tử Cấm Thành

Thứ hai, 05/03/2018 16:52
Ngày Tết Mậu Tuất, tôi đọc tập thơ  Del'Opera của Nguyễn Duy Từ (*), đến bài thơ văn xuôi Mơ (ghi chép vài giấc mơ lạ), bỗng giật mình với câu thơ lấy ý của thiên tài thơ Nga Puskin: Tuyệt chiêu, ơi Puskin! Thơ là an ủi, an ủi nỗi buồn. An ủi hạnh phúc, an ủi muộn phiền. Thơ là thuốc giảm đau.
Vâng! Thơ là thuốc giảm đau. Một định nghĩa về thơ tôi được nghe lần đầu đã cảm nhận được đó là một định nghĩa rất đời, không vòng vo văn chương như các nhà tầm chương trích cú. Đó là bản chất thơ với đời, với người. Và nó ứng vào thơ Nguyễn Duy Từ trong cả hai tập thơ đầu tay của anh Viết ở Tử Cấm Thành (2016) và Del' Opera (2017). Bởi thơ Nguyễn Duy Từ là thơ góp phần chia sẻ, giải bày, góp phần làm cho lòng người đỡ buốt những nỗi đau trong cuộc sống.
Tiến sĩ văn chương Nguyễn Duy Từ là Giám đốc Nhà xuất bản Thuận Hóa, đã xuất bản nhiều sách về phê bình, giới thiệu chân dung văn học. Bỗng dưng mấy năm lại đây anh "đổ" ra làm thơ. Con người ta vốn sống nội tâm, ai dính đến thơ ắt là lòng có nhiều trắc ẩn. Nguyễn Duy Từ cũng không ngoại lệ. Càng từng trải chuyện đời, anh càng thấm nỗi đau. Nên anh tìm đến thơ để giải nỗi đau đời, để được an ủi. Anh buồn cả trong Mơ: Về thăm mẹ. Mà ta đau. Hơn ngàn ngày rồi. Hơn ngàn ngày đạn cày nát tim óc. Mỗi ngày một viên. Ngàn ngày ngàn viên. Giày xéo triền miên... (Mơ). Không có chi buồn hơn khi Mẹ đất nước đau thương qua chiến tranh triền miên, nghèo khó triền miên. Nguyễn Duy Từ viết rất cảm động về người mẹ cụ thể của mình: Rồi một ngày kia ở chốn xa xăm, con sẽ về với mẹ. Để được thấy thân gầy mẹ có còn nhức nhối, tấm áo mẹ có còn vá vội, ánh mắt mẹ có còn trăn trối, và bao điều mẹ chưa kịp nói... (Thưa mẹ 1)
Nghe Tiếng chuống chùa đêm khuya, nhà thơ ngẫm thấm chuyện đời mang mang còn mất: "Gửi hồn theo gió/ Gửi hồn theo mưa/ Qua đền hoang phế/ Qua đài hoang sơ". Nhớ một người bạn thơ vong niên Nhất Lâm 81 tuổi đi xa, Nguyễn Duy Từ có những câu thơ đẹp mà nước mắt: Máu của mẹ/ Mồ của cá / Và bài thơ thanh lọc hồn người/ Giữa cõi đời còn bao chơi vơi (Làn mây trắng đã đi xa). Hình ảnh một người bạn trong thơ Nguyễn Duy Từ luôn ám ảnh tôi : Phong phanh như chiếc áo cũ / Có khi lọc cọc người già lội lũ / Khò khè như ngày khó thở/ Thòng tay mỉm cười nhìn trời mây bay... Đó là một nỗi buồn không bao giờ quá vãng! 
Cả những nỗi đau lịch sử đọng lại trong thơ Nguyễn Duy Từ. Nghĩ về vua Quang Trung- Nguyễn Huệ, Nguyễn Duy Từ thảng thốt trước những dấu tích thành Đan Dương: Vi vu tre trúc/ Hiu hắt giếng xưa/ Bời bời cỏ dại/ Phất phơ dưới nắng chiều thu... Để rồi bật lên câu nói của Vua: Đánh! Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ" (Vọng Dương Đan lăng). Thì ra nỗi buồn đau lịch sử gọi dậy một tiếng thét! Thì ra thơ là thuốc giảm đau để con người ngộ ra lẽ đời Vua từng tuyên dạy!
Nhà thơ Hải Bằng có câu thơ rất chí lý: Không biết buồn thì chẳng có thơ!  Nỗi buồn đau mang đến cho nhà thơ những xúc cảm mạnh, những thi ảnh lay đọng hồn người và những bài thơ ra đời. Thơ là chia sẻ. Thơ là giải bày. Thơ làm cho người giải tỏa buồn đau để mạnh mẽ hơn trong yêu thương và hành động!
Trong hai tập thơ đầu tay, thơ Nguyễn Duy Từ còn nhiều điều để nói về tình yêu quê hương xứ sở, về tình yêu, về cái đẹp, về cả triết lý sống, về nghệ thuật ngôn từ... Ở trên tôi chỉ nói cô đọng về thơ là thuốc giảm đau trong thơ Nguyễn Duy Từ. Tôi nghĩ, chỉ ngần ấy thôi cũng đủ nói lên phẩm chất một người làm thơ viết vì tình yêu con người, tình yêu cuộc đời!
(*) Del' Opera - thơ Nguyễn Duy Từ, NXB Văn Học 2017; Viết ở Tử Cấm Thành, thơ Nguyễn Duy Từ, NXB Thuận Hóa, 2016. N.M