Thỏa thuận bị nghi ngờ
Bất chấp một thỏa thuận hòa bình mà các bên xung đột ở Nam Sudan đã ký kết tại thủ đô Khartoum của Sudan vào cuối ngày 27-6, vẫn còn nhiều nghi ngại được đặt ra về khả năng thỏa thuận mới liệu có thể mang đến nền hòa bình thực sự cho quốc gia nghèo khó này hay không. Bởi lẽ, bóng ma thất bại tương tự vẫn còn đó. Năm 2015, một thỏa thuận tương tự đã ký tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia về hòa bình cho Nam Sudan đã chết yểu thảm hại.
Theo thỏa thuận mà Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir, lãnh đạo phe đối lập Riek Machar, đại diện các tù nhân chính trị và đại diện cho các nhóm đối lập khác ở Nam Sudan đã ký, việc ngừng bắn vĩnh viễn sẽ có hiệu lực trong vòng 72 giờ. Hy vọng nhen nhóm rất lớn khi tại lễ ký kết, Tổng thống Kiir nhấn mạnh cam kết thực hiện thỏa thuận trong khi ông Machar ca ngợi thỏa thuận là “quan trọng” cho cả Sudan và Nam Sudan.
Tuy nhiên, lo ngại đặt ra là thỏa thuận mới có thể chịu chung số phận với thỏa thuận trước đó, được ký kết vào tháng 8-2015, cũng do Cơ quan Phát triển liên Chính phủ Châu Phi (IGAD) bảo trợ. Có hai rào cản chính có thể làm tê liệt việc thực hiện thỏa thuận. Rào cản đầu tiên nằm trong “giai đoạn chuyển tiếp và hình thành của một chính phủ chuyển tiếp”, trong khi cái thứ hai liên quan đến “khả năng các bên xung đột giải quyết tác động của chiến tranh, đặc biệt là căng thẳng bộ lạc trong cộng đồng Nam Sudan”. Bài toán trước mắt là chính phủ Nam Sudan cần phải đưa ra những ưu đãi cho các phe phái vũ trang để đồng hóa trong chính phủ chuyển tiếp nếu họ hy vọng có một thỏa thuận lâu dài.
Tất nhiên, cả hai phe cần gạt mâu thuẫn để cùng nhau giải quyết vấn đề mâu thuẫn sắc tộc. Theo thỏa thuận mới, các bên trong cuộc xung đột ở Nam Sudan sẽ đồng ý với tất cả các thỏa thuận ngừng bắn trong vòng 72 giờ, bao gồm việc rút quân, mở hành lang nhân đạo, giải phóng tù nhân chiến tranh và chính trị. IGAD và các quốc gia thành viên Liên minh Châu Phi (AU) được mời triển khai các lực lượng cần thiết để giám sát việc ngừng bắn vĩnh viễn. Thỏa thuận quy định sẽ có giai đoạn tiền chuyển tiếp là 120 ngày, tiếp theo là giai đoạn chuyển tiếp 36 tháng, và sau đó là tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ.
Nam Sudan rơi vào nội chiến từ tháng 12-2013. Đó là cuộc chiến giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Kiir và cựu Phó Tổng thống Machar.
THANH VĂN