Báo Công An Đà Nẵng

Thỏa thuận hái ra tiền

Thứ tư, 03/05/2017 07:43

(Cadn.com.vn) - Cuối cùng, sau thời gian dài đàm phán khắc nghiệt, Hy Lạp và các chủ nợ hôm 2-5 đạt thỏa thuận sẽ khởi động lại các khoản thanh toán cho vay cứu trợ và giúp nước này tránh tình trạng vỡ nợ và đẩy khu vực đồng tiền chung EUR (Eurozone) rơi vào khủng hoảng.

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos, việc đạt được thỏa thuận sơ bộ với các chủ nợ gồm Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giúp mở đường cho các cuộc đàm phán giảm nợ được chờ đợi lâu nay. Thỏa thuận kỹ thuật sơ bộ này đạt được trước thềm cuộc họp các bộ trưởng tài chính Eurozone vào ngày 22-5 tới, trong đó có điều kiện tiên quyết là phải thông qua thỏa thuận này.

Đây là kết quả của những ngày tháng đàm phán khắc nghiệt, trong đó, các bên đồng ý, Hy Lạp sẽ cắt giảm thêm khoản tiền trợ cấp vào năm 2019 và cam kết duy trì mục tiêu ngân sách cao khi chương trình cứu trợ hiện tại kết thúc vào năm tới. Thỏa thuận này sẽ giúp Hy Lạp có khả năng đảm bảo các biện pháp giảm nợ từ các chủ nợ, động thái có vai trò quan trọng đối với sự phục hồi trong nền kinh tế chật vật của quốc gia Châu Âu này.

Các chủ nợ hoan nghênh thỏa thuận này và lưu ý, chính phủ Hy Lạp đã xác nhận sẽ nhanh chóng triển khai gói chính sách này. Tuy nhiên, ở Hy Lạp, người biểu tình tập trung xuống đường biểu tình phản đối thỏa thuận này. Chính quyền Athens đã phải điều cảnh sát chống bạo động đối phó với dòng người biểu tình này.

Bởi để có được “thỏa thuận hái ra tiền” này, chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ phải thông qua kế hoạch cắt giảm viện trợ mới vào giữa tháng 5, để các bộ trưởng tài chính từ các quốc gia Eurozone có thể giải phóng quỹ cứu trợ thêm trong cuộc họp vào ngày 22-5 tới. Đây là thời điểm khó khăn của Thủ tướng Tsipras nhưng cũng là thời điểm bước ngoặt để Athens có thể chuyển sang trang mới trong chương trình thắt chặt dài hạn và đầy khó khăn cho người Hy Lạp.

Hy Lạp đã sống sót nhờ các khoản cho vay cứu trợ từ năm 2010 để đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu nghiêm ngặt và tăng thuế đã khiến gần 1/4 lực lượng lao động không có việc làm và hơn 1/3 số người sống trong cảnh đói nghèo hoặc có nguy cơ đói nghèo. Với thỏa thuận mới nhất này, nhiều người hy vọng Hy Lạp có thể viết nên câu chuyện mới về sự ổn định, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng cho Hy Lạp cũng như toàn bộ khu vực Eurozone.

Thanh Văn