Báo Công An Đà Nẵng

Thỏa thuận hạt nhân Iran – Cơ hội hòa bình cho Syria

Thứ hai, 10/08/2015 06:55

(Cadn.com.vn) - Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc P5+1 được cho là sẽ có tác động lớn đến nhiều vấn đề Trung Đông khác, nhất là khả năng mang đến cơ hội cho hòa bình ở Syria.

Hàng loạt các cuộc ngoại giao con thoi gần đây cho thấy, chính phủ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad - vốn được Iran hậu thuẫn - sẵn sàng nỗ lực bằng mọi cách để kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu đang nhấn chìm nước này.

Mặc dù AP dẫn lời giới phân tích cho rằng, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cho Syria vẫn xa vời, nhưng cánh cửa để đi đến đó đang dần được hé mở. Thực tế cho thấy, cục diện chính trị Trung Đông hiện cũng có nhiều thay đổi, trong đó nổi lên việc chuyển giao quyền lực ở Saudi Arabia, khi ông Salman lên ngôi vua hồi tháng 1. Yếu tố gây tác động khác là sức ảnh hưởng của nhóm Hồi giáo cực đoan IS - được đánh giá là phe đối lập mạnh nhất hiện nay ở Syria.

Cuộc nội chiến Syria khiến hơn một nửa dân số nước này phải sống tị nạn. Ảnh: Reuters

Cuộc nội chiến ở Syria giết chết ít nhất 250.000 người và khiến hơn một nửa dân số phải sống tị nạn. Cuối tuần qua, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết, có “khả năng cao” HĐBA LHQ - vốn đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề Syria - sẽ thông qua một tuyên bố ủng hộ một kế hoạch mới của Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura nhằm thiết lập từng giai đoạn cho các cuộc đàm phán hòa bình mới. “Đó sẽ là tuyên bố chính trị độc quyền đầu tiên về cuộc khủng hoảng Syria được nhất trí thông qua”, ông Churkin nói.

Chính quyền Tổng thống Assad đang chịu tổn thất rất lớn về nhân mạng và cả ảnh hưởng chính trị. Khó khăn này có thể buộc ông Assad phải nghĩ đến các lựa chọn ngoại giao để giải quyết khủng hoảng. Nhưng nhà lãnh đạo này chắc chắn sẽ không từ chức như kêu gọi của Mỹ và hy vọng, một Iran khi thoát khỏi gọng kìm trừng phạt kinh tế, sẽ hỗ trợ hết mình cho Syria.

Giới chuyên gia cho rằng, thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và 6 cường quốc P5+1 thật sự mở cửa ra con đường thẳng tắp đến một thỏa thuận hòa bình cũng như giúp sửa chữa các vấn đề địa chính trị ở Syria. Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với người đồng cấp Nga Lavrov và Saudi Arabia Adel al-Jubeir tổ chức cuộc họp hiếm hoi 3 bên ở thủ đô Doha của Qatar, chủ yếu thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria.

Nga, vốn ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad, đang nỗ lực thiết lập một mặt trận chống khủng bố sẽ bao gồm quân đội Syria, quân đội Iraq và lực lượng người Kurd. Giới phân tích cho rằng, Moscow đóng vai trò nhà đàm phán tiên phong về vấn đề Syria và muốn mình là đối tác trong cuộc chiến chống IS. Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin cũng tự coi mình như là bên trung gian chính cho quan hệ mới giữa người Arab và Tehran.  “Thỏa thuận hạt nhân Iran mang lại những cơ hội mới để giải quyết các khác biệt trong khu vực và Nga đang cố gắng thực hiện những gì chúng tôi thấy là sứ mệnh lịch sử của mình để thúc đẩy tất cả các bên ngồi lại cùng nhau”, Ngoại trưởng Lavrov nói.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, được phát sóng hôm 9-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng kêu gọi Quốc hội ưu tiên giải quyết vấn đề hạt nhân Iran vì nó sẽ mở ra triển vọng đàm phán với Tehran về những vấn đề khác, như Syria. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Nhà Trắng sẽ tự thấy vô cùng khó xử trong nỗ lực bắt đầu trở lại với bất kỳ kế hoạch nào về hòa bình cho Syria, nhất là việc hợp pháp hóa chính phủ của Tổng thống Assad. Ngoại trưởng Kerry nhắc lại quan điểm của Washington tại Doha rằng: “Tổng thống Assad và chính quyền của ông từ lâu đã mất tính hợp pháp”, ngay cả khi thủ lĩnh ngoại giao Mỹ một lần nữa kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này.

Trong khi đó, Iran dường như không thể từ bỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Assad ngay cả khi thỏa thuận hạt nhân mở ra triển vọng ngoại giao hoàn  hảo hơn với phương Tây cho Tehran.

Khả Anh

Nga bác cáo buộc Syria có VKHH

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 9-8 bác bỏ những cáo buộc về việc Syria sở hữu vũ khí hóa học (VKHH)

AFP dẫn lời ông Lavrov cho rằng, chiến dịch tiêu hủy VKHH của Syria đã diễn ra thành công. Tuyên bố bác bỏ của Moscow được đưa ra trong bối cảnh LHQ đang điều tra các cáo buộc về tấn công bằng khí clo tại quốc gia Trung Đông này.